Các chuyên gia cảnh báo, nếu không tiếp tục chính sách miễn thị thực (visa) thì Việt Nam có thể mất tới 20% thị phần khách quốc tế, tương đương nhiều trăm ngàn khách mỗi năm. Với khách chi tiêu cao như các nước châu Âu, điều đó có nghĩa Việt Nam thất thu vài trăm triệu USD và hàng trăm ngàn công ăn việc làm.

Điểm nghẽn visa: Cải thiện được ngay

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB), cho biết, theo báo cáo của Năng lực cạnh tranh Du lịch 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 67/136 quốc gia và đạt 17/100 điểm khi đo lường các yêu cầu về thị thực.

Trong đó, có 3 hạn chế và cũng là rào cản lớn nhất khiến du lịch Việt Nam chưa bứt phá, đó là: môi trường chưa bền vững (xếp thứ 129/136); các yêu cầu về thị thực (116/136) và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch (113/136), trong khi chúng ta được đánh giá rất cao về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và tính cạnh tranh về giá.

Trong 3 nút thắt trên, theo ông Hoàng Nhân Chính, yếu tố môi trường và cơ sở hạ tầng không phải một sớm một chiều là cải thiện được, mà cần có thời gian. Trong khi đó, hạn chế về visa có thể tháo gỡ ngay nếu chúng ta mạnh dạn, sáng tạo, dám làm dám quyết.

{keywords}
Chính sách miễn visa cho các nước Tây Âu đến 30/6 này là hết hạn

Sau nhiều lần kiến nghị, Việt Nam chính thức miễn visa từ năm 2015 cho một số thị trường, nhưng chỉ trong vòng 1 năm. Hết thời gian lại phải gia hạn. Thời gian áp dụng, với các thị trường trọng điểm dài hạn cũng chỉ 1-3 năm, còn như các nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Ý, Đức và Tây Ban Nha) cũng chỉ được 1 năm, chưa kể đến phút chót mới gia hạn. Trong khi, việc công bố sát nút như vậy hiệu quả sẽ rất hạn chế, bởi chính sách miễn visa phải 6 tháng sau mới có tác dụng.

Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Vietstar, kể rằng, mỗi dịp đi Đức tham dự hội chợ ITB (Hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất, diễn ra hàng năm), đến gian hàng Việt Nam, không ít lần chúng ta bị đặt câu hỏi: tháng 6 tới, Việt Nam có gia hạn visa cho khách quốc tế không? Ở đó có đại diện Tổng cục Du lịch, DN du lịch, không ai trả lời được. Điều này gây khó khăn vô cùng cho công tác tiếp thị quảng bá du lịch.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở vùng trũng trong khu vực về visa khi mới miễn cho 24 nước, chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar,... Nhưng với các nước này, việc cấp thị thực cửa khẩu cũng rất nhanh, chỉ mất 15 phút. Như vậy, chỉ còn lại Việt Nam là khó khăn nhất về việc miễn visa cho khách quốc tế.

Hơn nữa, hiện chúng ta hiện chỉ miễn visa có 15 ngày cho các nước và vùng lãnh thổ (trừ Chile là miễn tới 90 ngày), mà đây toàn là các thị trường có mức chi tiêu cao, trên 1.000 USD, được các nước xung quanh giảm từ 30-90 ngày. Con số đơn giản đủ để thấy du lịch Việt Nam bao giờ vươn lên top đầu và làm sao cạnh tranh nổi với các nước gần kề?

Cảnh báo thiệt hại trăm triệu đô

Theo Nghị quyết 08, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2010 đón 18,5 triệu khách du lịch quốc tế (tăng 17%/năm), thu từ du lịch đạt 35 triệu USD (tăng 19%/năm). Nhưng, điều quan trọng du lịch Việt Nam hướng tới là không chỉ số lượng, mà quan trọng là chất lượng.

Theo đó, chúng ta phấn đấu thu hút được khách có mức chi tiêu cao trên 1.100 USD/người (so với mức 830 USD/người hiện nay), điển hình như các nước Bắc Mỹ (1.456 USD/người), Úc và New Zealand (1.475 USD/người), Nga và châu Âu gồm Đức, Anh, Pháp (hơn 1.300 USD/người),...

Nói như ông Hoàng Nhân Chính, điều này nhằm để bù lại những thị trường khách chi tiêu thấp, không cần thu hút quảng bá nhiều mà vẫn ùn ùn kéo đến (khách Trung Quốc là ví dụ điển hình).

{keywords}
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt năm 2017

Thực tế cho thấy, 6 nước ASEAN sẵn sàng miễn thị thực cho khách quốc tế để tăng lượng khách, quan trọng hơn là giá trị họ thu được trên đầu mỗi khách cho chi tiêu du lịch. Chẳng hạn, Thái Lan đón hơn 35,4 triệu khách quốc tế, nhưng họ thu tới gần 60 triệu USD, tức giá trị xuất khẩu du lịch rất cao.

Theo tính toán của TAB, nếu Việt Nam miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (là những thị trường có mức chi tiêu cao), số thu từ phí visa tuy giảm khoảng 17,3 triệu USD song qua đó, lượng khách sẽ tăng trên 10%, cho doanh thu lên tới gần 102 triệu USD. Thay vì gần 700.000 lượt khách hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể lôi kéo được nhiều khách hơn trong tổng số gần 5,8 triệu lượt khách đến khu vực Đông Nam Á mỗi năm.

Hơn nữa, theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, miễn visa không chỉ tác động trực tiếp tới du lịch mà còn có tác động lan tỏa, tạo công ăn việc làm, đặc biệt là việc làm và thu nhập tại các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghê, các điểm đến,... giá trị mang lại tăng gấp 2-3 lần. Cùng với cải thiện hạ tầng sân bay, hàng không, công nghệ, những nút thắt có thể tháo gỡ được và tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Theo ông Lương Hoài Nam, chính sách miễn visa hiện nay không vướng mắc gì về hành lang pháp lý, mà cái vướng chính là từ quan điểm. Nếu không mở rộng đối tượng, gia hạn thời gian cho các thị trường trọng điểm được miễn thị thực, mà cứ từng năm phập phù như hiện nay, nhà đầu tư sẽ không dám đầu tư.

“Nếu thời gian miễn visa không được 10 năm thì cũng cần 5 năm để đảm bảo sự ổn định”, ông Nam đề xuất.

Những lo ngại về sự cố liên quan chính sách miễn visa, theo ông Nam, là không có cơ sở. Đến nay, chúng ta đã miễn visa cho các nước ASEAN, Nga, Tây Âu được 5 năm, không có sự cố gì xảy ra cả. “Không cần phải quá lo ngại để du lịch thực sự phát triển, bởi dù được miễn visa, nhưng bất cứ ai cũng có thể bị từ chối cho nhập cảnh ngay tại cửa khẩu nếu chúng ta không muốn cho người đó nhập cảnh”.

Ông Nam dẫn chứng, công dân Việt Nam sang Singapore đương nhiên được miễn visa, nhưng một số người vẫn bị trục xuất khi trả lời phỏng vấn của cán bộ cửa khẩu, nếu nghi ngờ hoặc không yên tâm họ hoàn toàn có quyền từ chối nhập cảnh.

Nhiều người đặt ra giả thuyết nếu Việt Nam không tiếp tục gia hạn chính sách miễn visa. Trong tình huống xấu này, ông Trần Trọng Kiên cho rằng, việc miễn thị thực là thông điệp rõ ràng về chuyện chúng ta có welcome (chào đón) du khách Tây Âu nói riêng và khách quốc tế nói chung hay không. Nếu không miễn visa, khi đó, họ không còn chọn Việt Nam là điểm đến nữa. Chúng ta sẽ mất 20% thị phần khách, tương đương khoảng vài trăm ngàn lượt, với giá trị đem lại vài trăm triệu đô la,... Chúng ta cũng mất cơ hội tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở các điểm đến, nhà hàng,... Mà, để sửa chữa sai lầm này sẽ mất rất nhiều năm.

2 đề xuất của TAB liên quan đến chính sách thị thực

1. Điều chỉnh:
- Gia hạn miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý) sẽ hết hạn từ 30/6/2018.
- Tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày cho 12 nước (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan)
- Bãi bỏ quy định: “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày”
- Chương trình miễn thị thực kéo dài thành 5 năm

2. Bổ sung:
- Thêm 6 nước được miễn thị thực, gồm Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ
- Thêm 4 nước/lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử, gồm Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Sĩ và Bỉ
- Áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại

Ngọc Hà