Lấy tiếp cận được người tiêu dùng một cách gần nhất làm lợi thế, các chuỗi cửa hàng tiện ích đang đua nhau mọc lên len lỏi vào từng ngõ ngách, tầng một nhà chung cư hay gần trường học. Các đại gia ngành bán lẻ đang đua nhau quyết liệt để nắm giữ thị phần.

Gần khách, chiều khách

Tại tầng 1 chung cư Linh Đàm vừa khai trương một cửa hàng tiện ích V., rộng chưa đầy 50m2. So với một cửa hàng tạp hóa thông thường, cửa hàng tiện ích này gây chú ý tới người tiêu dùng bởi phong cách phục vụ. Bất kỳ khách hàng nào vào đây cũng được nhận nụ cười và lời chào thân thiện. Hệ thống thanh toán bằng máy tính và có thẻ tích điểm.

Với quy mô khá nhỏ, khách hàng chủ yếu của cửa hàng là dân chung cư của tòa nhà, với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, rau củ quả, thịt,  mắm muối, bánh kẹo,... Ngoài ra, cửa hàng còn có thêm các dịch vụ khác như thu tiền điện thoại, mạng internet,...

Điều dễ nhận thấy là các cửa hàng tiện ích này đều nằm ở khu dân cư đông đúc, mức tiêu dùng từ trung bình trở lên như những khu phố, tầng 1 khu chung cư,... Trong cuộc cạnh tranh thị phần Hà Nội, hệ thống cửa hàng tiện ích này nhắm tới những gia đình trẻ có thu nhập trung bình trở lên, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là muốn mua sắm nhanh, đầy đủ các loại sản phẩm cơ bản, dịch vụ khách hàng tốt và cơ sở vật chất tiện nghi. Chính vì thế, nhiều gói thực phẩm như rau, thịt cá của cửa hàng đã được làm sạch, đóng gói cẩn thận, người mua chỉ việc về rửa hoặc chế biến ngay để tiết kiệm thời gian.

Cũng đang gia tăng số lượng các cửa hàng tiện ích trên địa bàn Hà Nội, K. lại nhắm tới đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên. Tại phố Đặng Văn Ngữ, K. mới khai trương một cửa hàng rộng gần 80m2. Lý do, khu vực này đông đúc học sinh, sinh viên của các trường cấp ba và đại học cạnh đó. 

Nhóm khách hàng này luôn năng động dễ thích ứng với những phong cách tiêu dùng mới và họ cảm thấy thoải mái khi bước vào các cửa hàng tiện ích như của K. 

Theo quan sát, các mặt hàng ở đây bày bán đều nhắm tới đối tượng này như thực phẩm ăn nhanh, nước ngọt, cà phê và các mặt hàng thiết yếu. Cửa hàng còn bán thẻ/sim điện thoại di động, có không gian cho khách thưởng thức đồ ăn sẵn, có dịch vụ thanh toán thẻ, WiFi miễn phí.

Đầu tư dài hạn

Thực tế, các cửa hàng tiện lợi không còn mới mẻ tại Hà Nội nhưng về số lượng, V. hay K. đang mở rộng mạng lưới một cách nhanh chóng. K. đã mở được 35 cửa hàng chỉ sau một năm hoạt động tại Hà Nội. Trong khi đó, các cửa hàng V. cũng liên tục khai trương tại nhiều tuyến phố, khu dân cư của Hà Nội. S.and G. cũng đã có khoảng 20 cửa hàng tiện ích, tập trung chủ yếu ở khu vực phố cổ. So với Thái Lan, số lượng cửa hàng tiện ích trên số dân tại Việt Nam còn quá thấp.

Tuy đánh giá là tiềm năng song các doanh nghiệp bán lẻ đang phải oằn mình, thậm chí phải bù lỗ để đầu tư dài hạn. Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho biết, chưa nào kiếm lời được từ cửa hàng tiện lợi, càng mở càng lỗ nhưng họ vẫn đua nhau giành mặt bằng đẹp, mở rộng chuỗi. 

Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp mới đây cho thấy, mảng bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện ích với doanh thu thuần khoảng 10.770 tỷ đồng, nhưng lỗ tới 1.917 tỷ đồng.

{keywords}
Cửa hàng tiện ích gây chú ý bởi cách phục vụ mới mẻ

G7 Mart của Trung Nguyên đã phải khai tử sau một thời gian dài tham vọng xây dựng chuỗi bán lẻ thương hiệu Việt. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đã tuyên bố sẽ chi mạnh tay hỗ trợ từ 50 tới 200 triệu cho 1 cửa hàng tùy theo quy mô. Như vậy, nếu theo kế hoạch, tổng mức chi thấp nhất của Trung Nguyên phải lên tới con số 475 tỷ đồng cho mục tiêu 10.000 điểm bán lẻ G7 Mart. Số tiền này quá lớn so với số vốn mà G7 Mart có trước đó.

Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, tờ Nikkei của Nhật Bản đã có bài viết cho biết chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Nhật Bản và thế giới sắp tham gia vào cuộc chiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam từ 2018. Đây được xem là chuỗi cửa hàng tiện lợi “đáng sợ” nhất thế giới khi cứ 2 giờ trôi qua lại có một cửa hàng mọc lên ở đâu đó trên thế giới.

Dự đoán trong thời gian tới, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Dù biết, càng mở rộng càng thua lỗ nhưng tất cả đều dồn sức chạy đua để hy vọng khi đối thủ bỏ cuộc thì dành được thị phần ngày càng lớn. Lúc đó mới tính chuyện kiếm lời.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro, nhận định, ngành bán lẻ trong nước phải đối mặt với các nhà bán lẻ nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính, trong khi đó thương hiệu của họ lại có nhà cung ứng bền vững. Do đó để phát triển bền vững thì mỗi một DN cần nghiên cứu trước và định hướng riêng cho doanh nghiệp mình.

Tuy nhiên, dưới góc độ người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cạnh tranh bao giờ cũng đem lại lợi ích về giá cả cho người tiêu dùng, chính vì vậy, trong lúc các DN cạnh tranh giành thị trường thì người tiêu dùng là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.

D.Anh