Đầu tư bất động sản “lướt sóng”, nhưng nhiều nhà đầu tư mắc cạn đến 6-7 năm và phải bán cắt lỗ chỉ bằng 50% giá mua, vẫn không thể thoát được hàng.
Năm 2015-2016, bất động sản khu vực huyện Hoài Đức bùng nổ thanh khoản lẫn nguồn cung căn hộ giá rẻ. Theo đó, đã có hàng nghìn căn hộ giá rẻ được chào bán thành công ra ngoài thị trường.
Cùng với sự sôi động của phân khúc căn hộ, phân khúc đất nền cũng bắt đầu nhúc nhích, nhiều giao dịch bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, thông tin Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020 được giới đầu cơ tận dụng triệt để, nhằm thổi giá đất đền.
Trên thực tế, giá đất nền một số dự án đã tăng giá trở lại. Trong khi với đất nền sổ đỏ , sự kỳ vọng thái quá của người dân cũng đẩy giá bán tăng mạnh trở lại.
Nhiều nhà đầu tư đất nền ngoại ô Hà Nội chấp nhận bán đất nền chỉ bằng 50% giá mua trước đó, vẫn khó bán được hàng. Ảnh minh họa. |
Tận dụng sự hưng phấn của thị trường, hiểu nhà đầu tư đất nền bắt đầu chào bán sản phẩm đất nền ra thị trường đã đầu tư trước đó 6-7 năm, với giá rất thấp, nhưng việc bán hàng vẫn không đơn giản.
Ông Trần Văn Mạnh, một nhà đầu tư bất động sản khu vực An Khánh - An Thượng cho biết: Giá đất nền khu vực An Khánh - An Thượng thời gian qua đã tăng khoảng 15-20%, thậm chí đến 30% giá bán, tùy thuộc vào từng vị trí.
Tuy nhiên, mức tăng giá trên chỉ là tăng giá vì kỳ vọng sau thông tin Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020. Bởi trên thực tế, việc bán hàng quá khó.
Ông Mạnh tiết lộ, tận dụng sự hưng phấn của thị trường đất nền, thời gian vừa qua, ông quyết định chào bán một số lô đất nền sổ đỏ đã đầu tư tại khu vực An Khánh - An Thượng từ năm 2009-2010 với giá 20-24 triệu đồng/m2, nay bán lại chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng vẫn có không người mua.
Theo tìm hiểu, không chỉ ông Mạnh, rất nhiều nhà đầu tư thời gian qua cũng tận dụng sự hưng phấn của thị trường để chào bán đất nền nhưng bất thành.
Một đại diện đơn vị môi giới địa ốc tại khu An Khánh tiết lộ: Nếu nhà đầu tư rao bán 10 triệu đồng/m2, thì giá giao dịch thực tế có thể chỉ 7-8 triệu đồng/m2. Dù vậy, việc bán hàng cũng không đơn giản, vì các lô đất có giá này, thường có vị trí không mấy thuận lợi.
Ở phân khúc đất nền dự án, tận dụng sự hưng phấn của thị trường bất động sản, nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu bung hàng chào bán ra thị trường, nhưng việc bán được hàng cũng rất khó.
Đại diện một nhóm nhà đầu tư đất nền dự án đường Nam 32, huyện Hoài Đức tiết lộ, nhóm nhà đầu tư này đã mua số lượng lớn đất nền dự án khu đô thị Nam đường 32 trước đó, nhưng nay cần tiền phải rao bán ra ngoài thị trường với giá 16-17 triệu/m2, thấp hơn giá của chủ đầu tư đang chào bán từ 5-6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, việc rao bán được tiến hành từ vài tháng nay, nhóm nhà đầu tư này vẫn chưa thể bán được.
Không chỉ tại Hoài Đức, nhà đầu tư bất động sản mới bị mắc kẹt với đất nền. Bởi tại Đông Anh, sau khi Cầu Nhật Tân thông xe, nhiều dự án được quy hoạch trên địa bàn khiến giá đất tại các xã có vị trí chân cầu như Vĩnh Ngọc, Hải Bối đã kỳ vọng tăng trở lại.
Tận dụng sự hưng phấn của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ bán “cắt lỗ” đất nền với giá 12-14 triệu đồng/m2, thấp hơn khoảng 40% giá đất tại đây thời điểm năm 2010, nhưng việc cắt lỗ để tháo chạy của nhiều nhà đầu tư cũng không thành, vì không có người mua.
(Theo Bizlive)