Thực phẩm, đồ uống và các chuỗi mô hình nhượng quyền thương hiệu… của nhiều nước xuất hiện tràn ngập thị trường, trong đó có những loại giá rất cao nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.
Những năm gần đây, nhu cầu về thực phẩm, đồ uống nhập khẩu tại Việt Nam tăng mạnh. Thực tế cho thấy chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống có quan hệ tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với sự phục hồi của đà tăng trưởng thì sức cầu cho sản phẩm ngành thực phẩm và đồ uống cũng ngày càng tăng. Tính chung trong giai đoạn 2014-2016, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 6,29%/năm, cao rõ rệt hơn mức tăng trưởng trung bình 5,52%/năm giai đoạn 2012-2014.
Số liệu của Nielsen Việt Nam cho thấy có sự phục hồi của đà tăng trưởng diễn ra ở mảng thực phẩm (4,7%). Năm 2016, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được đánh giá vào khoảng 30 tỷ USD.
Hãng nghiên cứu thị trường BMI Research đánh giá ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm cho giai đoạn 2017-2019 là 10,9%.
Đồ nhập khẩu đắt khách |
Theo đánh giá của các công ty phân phối, thị trường đồ uống - thực phẩm tại Việt Nam đang khá tiềm năng vì có quy mô dân số đến 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm nhất là thực phẩm sạch đang tăng lên. Chính vì thế, các công ty nước ngoài luôn tìm cách tiếp cận thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là kênh bán lẻ.
Bằng chứng là ngoài hệ thống bán lẻ, riêng lĩnh vực ẩm thực tại TP.HCM đã có đến 500 nhà hàng Nhật. Đáng chú ý gần đây hàng loạt công ty Nhật đã đổ bộ vào thị trường thực phẩm Việt Nam.
Hay như theo ban tổ chức Triển lãm thực phẩm, đồ uống, công nghệ Bao bì đóng gói, tại sự kiện đầu tháng 11 này, số doanh nghiệp nước ngoài tham gia chiếm 55% với 123 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm ngoại nhập như rau quả tươi, sấy khô, đóng hộp, nguyên liệu làm bánh, đồ gia vị,... với mẫu mã đẹp mắt đang rất thu hút khách hàng.
Nhiều tên tuổi mới vào Việt Nam
Ngoài các sản phẩm của những thị trường thân quen như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, các sản phẩm nông sản “đặc trưng” được cho là mới lạ cũng bắt đầu xuất hiện. Các doanh nghiệp Hy Lạp thông qua kênh triển lãm giới thiệu các sản phẩm từ trái đào, một thế mạnh của Hy Lạp. Đây là một động thái cho thấy, các công ty sản xuất thực phẩm châu Âu nói chung và Hy Lạp nói riêng đang ngày càng mong muốn một chỗ đứng tại thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Hàn Quốc (Chungnam) tham gia với những mặt hàng đặc trưng (linh chi, nhân sâm, nước đóng hộp, gia vị,... ) và tận dụng lợi thế là mẫu mã rất bắt mắt.
Trưởng phòng kinh doanh nước ngoài của một nhà máy sản xuất thạch rau câu cho biết lần đầu tiên vừa đến Việt Nam tham gia chương trình kết nối nhằm tìm kiếm các kênh phân phối. Nhiều công ty Nhật khác cũng tiết lộ muốn đẩy mạnh việc đưa thực phẩm, hàng nông sản vào Việt Nam nhằm đón đầu các ưu thế của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, nhận xét Việt Nam là thị trường đang phát triển nhanh và người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm mới.
Đại diện Jetro cho rằng trước giờ, mọi người vẫn nghĩ hàng Nhật rất đắt. Tuy nhiên, Nhật vẫn có những mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam dù đã tạm tính giá bán lẻ gấp đôi tại Nhật do phải chịu nhiều chi phí. Ngoài tiêu chí giá, Jetro chọn đưa sang Việt Nam những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao, sản phẩm nguồn cung ít và chưa từng bán tại nước ta.
Có thể nói, làn sóng đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam tạo áp lực không nhỏ cho các đơn vị trong nước. Nhưng ở mặt tích cực, thị trường sẽ có thêm nhiều cạnh tranh, trong đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, tiếp cận được những sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nam Hải