- Bộ Công Thương vừa liệt kê danh sách gần 30 các dự án nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp nặng như nhiệt điện, hóa chất, thép, than... cần phải giám sát đặc biệt về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Danh sách này thuộc quản lý trực thuộc ở 7 Tập đoàn, Tổng công ty đã được nêu rõ tại tại Chỉ thị số 11/CT-BCT vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành ngày 19/10.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm với các 8 công trình nguồn nhiệt điện gồm nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh.

{keywords}

Bộ Công Thương vừa liệt kê danh sách gần 30 các dự án nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp nặng cần phải giám sát đặc biệt về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải chịu trách nhiệm với 6 dự án gồm nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng có 4 dự án, nhà máy phải quan tâm là dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 5 nhà máy thuộc các Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình.

Tổng công ty Thép Việt Nam "góp tên" 1 công trình là nhà máy của công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO;

Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải lo giám sát 2 "đối tượng" là Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex và Tổng công ty may Việt Thắng. Đơn vị doanh nghiệp thứ 7 là Tổng công ty Giấy Việt Nam trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát ở Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Cũng theo chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp nói chung cần kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.

Các doanh nghiệp phải kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường rà soát và xây dựng quy chế quản lý môi trường nội bộ. Trước mắt, các đơn vị phải kiểm tra, đánh giá những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường một cách triệt để trong giai đoạn 2016 - 2017. Một số việc cụ thể cũng được Bộ trưởng yêu cầu triển khai như việc lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương, tổ chức tham vấn chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn có dự án để tiếp thu các ý kiến đóng góp phản biện.

Riêng đối với lĩnh vực nhiệt điện than, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu rõ các chủ đầu tư phải xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, đảm bảo không phát ra môi trường. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các Nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng trong năm 2016, hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải ngay trong Quý IV năm nay.

Ngoài ra, chỉ thị này cũng nêu cao trách nhiệm của các đơn vị cục vụ chức năng liên quan trong việc phải theo dõi, đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Phạm Huyền