Xăng E5, hay còn được gọi là xăng 92 pha 5% cồn Ethanol, sẽ chính thức thay thế xăng A92 từ đầu năm 2018. Điều này có thể khiến các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thoát cảnh “đắp chiếu” khi sản phẩm chính của những nhà máy này là cồn (ethanol) dùng để sản xuất ra xăng E5.

“Cứu” các dự án đắp chiếu

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho phép tồn tại xăng RON 92 đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất, kinh doanh xăng E5 RON 92 (xăng sinh học) và xăng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường,... 

Xăng E5 có thể thoát cảnh hẩm hiu khi A92 bị khai tử.

Động thái này cho thấy việc triển khai bán xăng E5 không thể trì hoãn nữa. Trước đó, nhiều kế hoạch triển khai xăng E5 từng được đưa ra nhưng đều lỗi hẹn.

Gần đây nhất là mục tiêu tất cả trạm bán xăng dầu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu đều bán xăng E5 từ ngày 1/6/2016 nhưng không thực hiện được. Cuối năm 2016, một kế hoạch khác được đưa ra là xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92 (từ khoảng tháng 6) nhưng chưa đến thời hạn này thì Bộ Công Thương đề xuất lùi đến ngày 1/1/2018.

Việc “chốt” thời điểm bán rộng rãi xăng E5 còn giúp cho một loạt dự án nhiên liệu sinh học ngàn tỷ đắp chiếu có cơ hội hồi sinh. Đó là 3 dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Trong đó, dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ thi công dở dang, đang nằm đắp chiếu do chi phí tăng cao và thiếu vốn. Còn Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất (gần 1.900 tỷ); Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (gần 1.500 tỷ) đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn. 

Khi đề xuất các phương án xử lý 3 dự án nhiên liệu sinh học này, Bộ Công Thương đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai thực hiện các giải pháp để tạo thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua các cơ chế và chính sách như thúc đẩy thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học. Bởi lẽ, đến nay, chỉ có 3 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã thay thế hoàn toàn xăng Ron 92 bằng xăng sinh học E5. Còn lại các địa phương khác tỷ lệ bán xăng E5 đạt không nhiều.

Vì thế, khi “khai tử” xăng A92, đầu ra cho các nhà máy nhiên liệu sinh học này dự kiến sẽ rộng mở hơn. 

Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất bị đắp chiếu.

Cách đây ít lâu, khi việc xử lý các dự án đắp chiếu còn đang được Bộ Công Thương rốt ráo triển khai, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil - đơn vị góp 29-38% vốn tại cả 3 dự án, thừa nhận rằng: Các dự án nhiên liệu sinh học này phục vụ cho chương trình phát triển triển nhiên liệu sinh học, nôm na là xăng pha cồn (E5 tức 95% là xăng truyền thống, 5% là cồn).

Đại diện PVOil cho hay: Một trong những khó khăn của các dự án này là mặt thị trường, đầu ra sản phẩm là cồn ethanol - nguyên liệu pha xăng còn hạn chế. Tuy nhiên, tiêu thụ trên thị trường rất ít, vẫn còn nhiều nghi ngại về chất lượng xăng. Cách đây hơn 4 năm thì 3 tỉnh đã triển hai đồng loạt bán xăng E5 thay thế hoàn toàn A92.

"PVPoil là đơn vị dẫn đầu kinh doanh loại xăng này. Trong các năm đó chúng tôi không nhận được bất cứ ý kiến nào của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề chất lượng của loại xăng này. Điều đó chứng tỏ xăng đó hoàn toàn không vấn đề gì", ông Dương nói.

Thời điểm ấy, ông Cao Hoài Dương cũng đã tiết lộ việc Bộ Công Thương có kế hoạch trình Chính phủ quyết định dẹp xăng A92, cả nước sẽ thay thế toàn bộ xăng A92 bằng E5.

“Như thế, nhu cầu ethanol - sản phẩm của các nhà máy sinh học sẽ có, và các nhà máy có thể chạy 100% công suất. Khi đó tôi cho rằng đây là một điều kiện rất tốt hồi sinh các nhà máy này. Các nhà máy này sẽ thực sự vận hành có hiệu quả”, ông Cao Hoài Dương khẳng định.

Số lỗ nghìn tỷ

Đầu ra chính là một nút thắt đối với các nhà máy nhiên liệu sinh học. Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất vận hành thương mại từ tháng 1/2014. Thế nhưng, nhu cầu thấp khiến nhà máy này chỉ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 66.000m3 ethanol. Đến năm 2015, nhà máy này chỉ vận hành 2 đợt với tổng cộng 36 ngày, sản xuất được hơn 7.000m3 E100, chỉ đạt 7,24% công suất thiết kế. Vì thế, nhà máy đã phải dừng sản xuất từ tháng 4/2015 đến nay, để lại số lỗ lũy kế đến tháng 9/2016 là gần 600 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước bắt đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường từ tháng 4/2012 với tổng sản lượng đến nay chỉ 16.200m3. Do nhà máy cũng gặp các khó khăn chung về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp như các nhà máy nhiên liệu sinh học khác tại Việt Nam nên tạm dừng từ cuối 2013 đến nay.

Do đó, việc có đầu ra từ 2018 có thể sẽ là cơ hội để những nhà máy này hồi sinh trở lại, tiến tới thoái dần vốn Nhà nước để kêu gọi các nhà đầu tư vào như những phương án đã được Bộ Công Thương vạch ra. Tất nhiên, dù thị trường đã có, nhưng các nhà máy này có vượt khó được hay không lại còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm cùng nhiều yếu tố khác.

Hà Duy