Tham dự Đối thoại chính sách cấp cao chủ đề tăng trưởng nhanh và bền vững tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2, do Ban kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/1, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ niềm tâm đắc nhất của mình về kinh tế xã hội Việt Nam 2017. Đó là năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư, chỉ số đổi mới sáng tạo có nhiều cải thiện. 

Không để ai rớt lại phía sau

Trả lời câu hỏi của TS Vũ Thành Tự Anh (Fulbright) về điều Thủ tướng tâm đắc nhất khi nhìn lại năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Những kết quả đạt được trong năm 2017 là những chỉ số quan trọng về kinh tế vĩ mô. Nhưng cũng nên nói về vấn đề xã hội, vấn đề xã hội cũng được đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống, nhất là những huyện nghèo đặc biệt khó khăn 30a.

{keywords}
Thủ tướng tham dự Diễn đàn kinh tế và có cuộc đối thoại cấp cao về tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nhấn mạnh tinh thần không để ai rớt lại phía sau, tăng trưởng bao trùm, Thủ tướng bày tỏ quyết tâm không để người dân bị đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất.

Thủ tướng cũng nhắc đến việc dự trữ ngoại hối trên 53 tỷ USD, Chỉ số VNIndex đã vượt 1.000 điểm, các nhà đầu tư vào Việt Nam vô cùng phấn khởi,...

Nhưng nói về điều tâm đắc nhất với tư cách người điều hành Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam được thế giới đánh giá tăng 5 bậc; môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc. Đồng tiền Việt Nam là 1 trong các đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á,...

“Nói vậy để thấy ngoài các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, vấn đề phát triển kinh tế xã hội toàn diện của đất nước gần 100 triệu dân luôn được chỉ đạo sâu sắc, toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thảo luận để đưa ra giải pháp căn cơ hơn, phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam thời gian tới.

“Tôi cho đó là các vấn đề rất tâm huyết trong kinh tế xã hội Việt Nam 2017”, Thủ tướng chia sẻ.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không giấu niềm phấn khỏi khi nợ công năm 2017 còn khoảng 61% GDP, từ mức 64,5% GDP vào năm 2016 (gần chạm trần Quốc hội cho phép là không quá 65% GDP). Nợ công trên GDP giảm xuống, theo Thủ tướng, là nhờ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nâng cao năng suất lao động, bởi năng suất lao động Việt Nam vẫn thấp và nhiều vấn đề cần quan tâm đặc biệt.

Cùng với việc tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Nhắc đến nội dung trong cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại?", Thủ tướng nhấn mạnh: Thể chế, thể chế và thể chế. Chúng ta cần có thể chế phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người tham gia xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, tốc độ cao hơn, liên tục hơn để thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Then chốt là năng suất lao động

Nói về quan điểm định hướng của Đảng về vấn đề tăng trưởng nhanh và bền vững, ông Nguyễn văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Phát triển nhanh và bền vững nói chung và phát triển kinh tế nhanh và bền vững nói riêng là chủ trương xuyên suốt được Đảng quán triệt, thể hiện rõ nét qua các văn kiện của Đại hội Đảng trong 4 Đại hội đảng vừa qua.

“Tại Đại hội 12, vấn đề này còn được nhấn mạnh và nâng lên tầm cao mới, không chỉ phát triển nhanh và bền vững mà còn phát triển bao trùm”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

{keywords}
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay trong tháng 1 này Đảng ta sẽ thông qua một nghị quyết trên cơ sở tổng kết 15 năm phát triển nhanh và bền vững để đề ra chủ trương giải pháp cho các giai đoạn tiếp theo, đảm bảo kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

“30 năm đổi mới, đặc biệt 15 năm qua, kinh tế đã có thành tựu ấn tượng, tuy nhiên so với mong mỏi của Đảng, nhà nước và nhân dân thì còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, để theo kịp các nước phát triển, sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, ông Bình nói.

Nội dung phát triển kinh tế nhanh và bền vững gồm nhiều nội dung, nhưng vấn đề then chốt là năng suất lao động.

“Chủ trương giải pháp mới của Đảng thời gian tới là tập trung giải quyết vấn đề này. Một quốc gia phát triển nhanh và bền vững hay không thì phải cải thiện được năng suất lao động tốt. Muốn cải thiện năng suất lao động phải có trình độ khoa học công nghệ và nền giáo dục tương thích”, ông Bình chia sẻ.

Đề cập đến ý kiến của Ngân hàng Thế giới, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, lưu ý, Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và bền vững phải ổn định được kinh tế vĩ mô.

"Một điều nữa là phải đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. Muốn vậy, điểm quan trọng là phải xây dựng chính sách tài khóa và vận hành nền tài chính ngân sách theo hướng tích cực và lành mạnh, tiến tới từng bước cân đối thu chi ngân sách, giảm bội chi, nợ công. Đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công", ông Hiển nói.

Với những chủ trương chính sách thời gian qua, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ tin tưởng thời gian tới kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững. 

Lương Bằng