Khi gặp những rào cản kinh doanh, những bất cập của chính sách, thay vì “cắn răng chịu đựng”, nhiều DN nhỏ và vừa đã biết đồng lòng lên tiếng. Bằng nhiều cách thức khác nhau, họ đã tạo ra được sự thay đổi cho mình và cả cộng đồng.

Khi các “nạn nhân” của chính sách lên tiếng

Được tiếp sức từ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ là xóa bỏ rào cản kinh doanh, tạo môi trường minh bạch thông thoáng, những DN từng một thời nhập khẩu ô tô đã liên kết lại để yêu cầu xóa bỏ Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Ròng rã từ tháng 4 đến nay, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc - được hơn 50 DN khác ủy quyền - cùng nhau lên tiếng, cùng đấu tranh mạnh mẽ với cơ quan ra văn bản. Bởi lẽ, việc ra đời của Thông tư 20 cách đây 5 năm đã đẩy hàng trăm DN kinh doanh nhập khẩu ô tô phải “khai tử”.

“Miếng bánh” ô tô nhập khẩu lọt vào tay của những DN có máu mặt, phần lớn là những DN FDI trong nhóm VAMA, VIVA, tạo nên thế độc quyền nhập khẩu ô tô. So với những "ông lớn" đó, cuộc đấu tranh của các DN ô tô không chính hãng chẳng khác gì “châu chấu đá xe”.

{keywords}
Nhiều DN phàn nàn đang có tình trạng độc quyền trong việc nhập và bán ô tô ngoại (ảnh Lê Anh Dũng)

Là một “nạn nhân”, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, thấu hiểu hơn hết số phận của một DN bị dồn ép. Từ một DN nhập ô tô hàng đầu ở miền Bắc từ trước năm 2011, ông Quyết phải bỏ nghề, chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Ông Quyết tâm sự: "Tôi tham gia đấu tranh bãi bỏ Thông tư 20 vì đó là một thông tư hạn chế kinh doanh doanh nghiệp. Thứ hai, tôi thấy bất công rõ ràng khi DN bị loại khỏi cuộc chơi chỉ vì một chính sách, nhất là từ trước đến nay, doanh nghiệp không có được nhiều tiếng nói trong việc xây dựng chính sách. Chính sách ấy chỉ có lợi cho một nhóm người, nhóm DN và nhất là người tiêu dùng bị mua đắt".

Đơn thư gửi khắp các cơ quan, ban ngành, lên tiếng ở mọi diễn đàn, thậm chí căng băng rôn trước cổng bộ, các DN đã chỉ ra được những bất hợp lý của Thông tư 20.

Kết quả, Bộ Công Thương đã đồng ý bãi bỏ Thông tư 20. Nhưng cuộc đấu tranh  chưa thể dừng lại, khi đến giờ, văn bản này vẫn chưa chính thức bị bãi bỏ, các DN nhỏ và vừa vẫn chưa thể được nhập ô tô. “Quả bóng” giờ chuyển sang Bộ Giao thông Vận tải và Bộ này cũng lại đang soạn thảo những quy định có khả năng “siết” hoạt động nhập khẩu ô tô, chặn cửa những DN nhỏ và vừa.

Nhìn về chặng đường đã qua và sắp tới, ông Quyết bảo: "Lắm khi cũng oải, nhưng các anh em động viên nhau thôi. Oải cũng phải chiến đấu không chỉ cho mình, cho ngành nghề mình mà cho một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn'.

“Không thành công, cũng thành nhân”

Cũng giống như DN nhập ô tô không chính hãng kể trên, các DN kinh doanh gas đang phải đối diện với những gì 5 năm trước các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng phải gánh chịu.

Bởi, Nghị định 19 về kinh doanh khí đề ra những điều kiện quá cao, khiến nhiều DN nhỏ và vừa bị loại khỏi cuộc chơi. Chẳng hạn, yêu cầu DN có các bồn chứa với tổng sức chứa tối thiểu 300m3, có 100.000 bình LPG các loại (không tính chai LPG mini),....

{keywords} 

Quy định này chỉ có một vài DN “tai to mặt lớn” trong ngành gas là đáp ứng được. Có nghĩa, nếu muốn phân phối gas, các DN hiện tại sẽ phải phụ thuộc vào những DN lớn đó, chịu phận “làm thuê”.

Để tránh bị “tiêu diệt” như DN ô tô không chính hãng 5 năm về trước, những DN gas từ Bắc chí Nam đã gọi nhau, liên kết lại để cùng nhau phản ánh đến cơ quan chắc năng. Có DN đã đi hàng nghìn km để có mặt ở một cuộc đối thoại của Bộ Công Thương. Cuối cùng, Bộ Công Thương đã nhận ra những quy định ấy là chưa hợp lý và hứa hẹn sửa đổi trong thời gian tới.

Nhắc lại những ngày đấu tranh ấy, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Đông Tùng gas, chia sẻ: "Nếu không liên kết lại để lên tiếng thì DN chúng tôi sẽ chết, giống như việc đã từng xảy ra với ô tô, gạo. DN nhỏ muốn đầu tư cơ sở vật chất đều phải vay mượn ngân hàng. Có đơn vị vay 20 tỷ, 15 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, nếu thực hiện theo Nghị định 19 chỉ có cách đem bán cơ sở và chắc chỉ được vài tỷ".

Giờ dự thảo sửa đổi Nghị định 19 vẫn chưa được đưa ra, Nghị định 19 mặc nhiên vẫn có hiệu lực từ 15/5/2016. Các DN gas lớn lại có ý kiến đề nghị giữ lại quy định của Nghị định 19. Chưa rõ dự thảo sửa đổi sẽ cởi mở hơn không, nhưng đại diện DN gas vẫn tin tưởng “Bộ Công Thương với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh sẽ lắng nghe ý kiến của DN”.

Qua câu chuyện trên, ông Tùng cũng rút ra bài học, rằng ngoài đơn từ của các DN, không thể thiếu sự ủng hộ của các cơ quan, hiệp hội, báo chí truyền thông.

Câu chuyện của những DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ô tô hay phân phối gas kể trên chỉ là những điểm nhấn rất nhỏ trong bức tranh về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Còn nhiều sự bất cập trong kinh doanh gạo, xăng dầu, còn nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê về thuế, hải quan, nhưng nếu DN có tinh thần sẵn sàng lên tiếng trước những bất cập, thì cơ hội để sửa lại, thay đổi những quy định ấy vẫn còn nhiều.

Nói như ông Nguyễn Đình Quyết, “Có thể khi xóa bỏ thông tư về nhập khẩu ô tô, tôi cũng khó có thể làm lại, nhưng cũng rút ra được nhiều điều là không thành công cũng thành nhân”.

Lương Bằng