Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay.

Sau khi VietNamNet đăng tải thông tin về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng dừng dự án sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), chiều 31/7 Bộ Công Thương đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với kiến nghị này.

Bộ Công Thương cho biết dự án đã được nghiên cứu kỹ của các chuyên gia trong và ngoài nước. Bộ này cho hay: Dự án và thiết kế kỹ thuật do Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - TKV chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim và Viện Tháo khô thoát nước mỏ (VIOGEM của Nga) lập. 

{keywords}
Bộ Công Thương không đồng tình việc dừng dự án sắt Thạch Khê.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập các Hội đồng thẩm định, gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có các chuyên gia do VUSTA, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tham gia.

Ngoài ra trong quá trình thẩm định, Bộ Công Thương mời Viện Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam thẩm định dự án; Tư vấn nước ngoài là Công ty TNHH CBM về Tư vấn, kinh doanh và quản lý (Cộng hòa Liên bang Đức) gọi tắt là CBM thẩm định độc lập, do Dự án phức tạp, khối lượng tài liệu nghiên cứu rất lớn nên việc thẩm định thiết kế kỹ thuật gần 1 năm mới hoàn thành. ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Như vậy, có thể nói Dự án đã được lập và thẩm định rất kỹ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước lo ngại về vấn đề về môi trường, Bộ Công Thương cho hay: Những vấn đề hạ thấp mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác; giải pháp ứng phó với sự cố môi trường: động đất, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sóng thần,... đã được làm rõ trong báo cáo thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương. Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng các giải pháp là phù hợp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chủ đầu tư trong quá trình khai thác giai đoạn 1 đến mức -145m, Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) phải tiếp tục có những nghiên cứu bổ sung về địa chất thủy văn và địa chất công trình và chuyên sâu về hang caster, cập nhật dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu, động đất, sóng thần để bổ sung giải pháp thiết kế, bảo vệ môi trường cho phù hợp.

Phải tính đến thiệt hại của nhà đầu tư

Về hiệu quả kinh tế của Dự án, Bộ Công Thương cho rằng: Hiệu quả kinh tế của Dự án TIC cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với Dự án phê duyệt năm 2014.

Ngoài ra, Dự án chưa tính đến một số nguồn thu lớn khác từ khoáng sản đi kèm (sét làm gạch ngói khoảng 80 triệu m3; đá hoa đôlômit và đôlômit khoảng 145 triệu tấn), đá, cát sỏi (khoảng 280 triệu m3) và hàng trăm triệu đá thải mỏ có thể dùng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng cung cấp cho nhu cầu trong nước, góp phần hạn chế việc khai thác cát sỏi lòng sông đang gây nhiều hệ lụy xấu hiện nay,...

“Dự án có hiệu quả là khả thi”, Bộ Công Thương khẳng định.

Về năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng, Bộ Công Thương đã nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 2/2017.

Trước kiến nghị dừng dự án, Bộ Công Thương cho hay kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa xin ý kiến của các Bộ, ngành nên ngày 24/7/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản đề nghị các Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính có ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bộ Công Thương cho hay sẽ có ý kiến cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ này cho rằng việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện, phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.

“Bên cạnh đó phải tính đến hiệu quả kinh tế của dự án, phát triển công nghiệp và kinh tế Việt Nam, đóng góp vào GDP, giảm nhập siêu, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cũng như các vấn đề liên quan như an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội và nhiều hệ lụy khác”, Bộ này đánh giá.

Lương Bằng