“Sức nóng” cải cách từ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến các bộ ngành địa phương. Nhiều bộ, ngành đã biết vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, hướng đến sự phồn vinh của đất nước. Nhưng tất cả mới là bước đầu. Sức nóng cải cách ấy phải luôn được giữ lửa nếu muốn Việt Nam thành “con hổ kinh tế mới” của châu Á.

Sức nóng lan tỏa

“Ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây.

Ghi nhận sự nỗ lực đó, ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã ký nghị định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý. Tuyên bố được cho là “lịch sử” của Bộ Công Thương đã được hiện thực hóa với sự ra đời của Nghị định này.

Chia sẻ với những người làm chính sách, Thủ tướng cho rằng chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất.

Còn nhớ tại Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ thực trạng chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước.

Theo Thủ tướng, những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe.

Khi phát biểu tại hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh lên hàng đầu; phấn đấu có 150.000 doanh nghiệp mới được thành lập năm 2018.

Trong các bài phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng đều nhắc đến việc làm thế nào thực hiện phương châm hành động 10 chữ đã được Chính phủ đề ra. Đó là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.

Nhắn nhủ Bộ Công Thương, Thủ tướng cho rằng phải chăng đó là “đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”.

Còn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi tư duy toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức; phải từ bỏ tư tưởng chờ địa phương, doanh nghiệp đến gặp mới xử lý; phải đặt lợi ích chung, yêu cầu nhiệm vụ lên trên hết.

“Bộ phát triển thể chế mà để người ta đến xin, đề nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết thì làm sao gọi là kế hoạch, đầu tư phát triển được”, Thủ tướng lưu ý.

Thể chế, thể chế và thể chế

Thủ tướng luôn nhấn mạnh, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh như một chìa khóa để góp phần đưa đất nước đến phồn vinh.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, về môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh năm 2017 đã có sự thay đổi đáng kể về cách thức thực hiện và gặt hái được thành công.

“10 năm trước, Chính phủ luôn giao chỉ tiêu cải cách theo nguyên tắc giao 1 cơ quan làm đầu mối, có thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc tổ công tác nào đó. Sau đó, giao cho các bộ ngành tự đôn đốc, rà soát các điều kiện kinh doanh; trên cơ sở đó thống nhất với nhau cái nào cần thiết, cái nào cần dỡ bỏ, sửa đổi. 

Để thực hiện được công việc trên là rất khó vì luôn có quan điểm khác nhau, khiến kết quả cải cách không đạt được như mong muốn.

{keywords}
Cải cách phải không ngừng thì đất nước mới tiến lên.

TS Phan Đức Hiếu chia sẻ: "Điểm mới của năm 2017 mà tôi đánh giá rất cao là Chính phủ đã giao chỉ tiêu rất rõ. Các bộ ngành bắt buộc phải cắt giảm từ 1/3 đến ½ số lượng điều kiện kinh doanh. Nhờ vậy, chưa bao giờ tôi chứng kiến có sự tích cực và chủ động của các bộ ngành trong việc rà soát, cắt bỏ giấy phép con như năm 2017. Trước đó chỉ thấy sự tích cực từ phía Chính phủ và gần như không có bộ ngành nào tự chủ động".

Ông Hiếu bộc bạch: "Cho dù thế nào đi nữa, cá nhân tôi đánh giá rất cao nỗ lực ban đầu của Bộ Công Thương trong việc chủ động rà soát, bãi bỏ. Họ hành động trước khi có Nghị quyết của Chính phủ về giao chỉ tiêu".

“Sự chủ động tích cực đó là một hiện tượng, mà theo tôi, là chưa từng xảy ra trong lịch sử cắt giảm giấy phép con”, ông Hiếu đánh giá.

Nó có tác động lan tỏa rất lớn, khiến các bộ ngành khác "không thể ngồi yên". Ngay sau đó, nhiều bộ ngành khác cũng phải vào cuộc như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT, Bộ GTVT, Bộ VH-TT&DL,...

Năm 2017, câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh bắt đầu đáp ứng được mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong bốn năm triển khai Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất.

Cụ thể, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay.

Thế nhưng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh và thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh. Cho nên, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.

TS Phan Đức Hiếu cho rằng: Việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ là một phần của công cuộc cải cách. Bởi vì trong một quy định pháp luật, ngoài quy định về điều kiện kinh doanh thì còn rất nhiều quy định khác ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều quy định tạo ra các thủ tục, gánh nặng tuân thủ pháp luật cho DN, tạo ra gánh nặng chi phí cho hoạt động kinh doanh của DN, cản trở sự sáng tạo của DN. Đây có thể gọi là một rủi ro cho hoạt động kinh doanh của DN.

“Xã hội luôn cần hệ thống quy định có chất lượng. Do đó, cải cách không phải chỉ dừng lại ở điều kiện kinh doanh, mà là ở toàn bộ quy định pháp luật”, TS Phan Đức Hiếu đúc kết.

Không ngẫu nhiên, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban kinh tế Trung ương tổ chức ít ngày trước, Thủ tướng đã dẫn lại cuốn sách nổi tiếng “Tại sao các quốc gia thất bại?”. Rồi Thủ tướng nhấn mạnh để đất nước tiến lên cần chú trọng vào “thể chế, thể chế và thể chế”. Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững.

Lương Bằng