- Hà Nội sẽ cần đến hàng tỷ đô la để đầu tư một loạt tuyến đường sắt trên cao. Để có tiền, Hà Nội đã tính đến việc bán nhà biệt thự thuộc diện được phép bán.
Ngày 3/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua dự kiến tổng mức đầu tư hơn 87.000 tỷ đồng cho 4 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (hơn 1,2 tỷ USD); tuyến đường sắt đoạn Nam Thăng Long - Hà Nội và tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hoà Lạc.
Thực tế, mới đây, trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về việc xây dựng các dự án đường sắt đô thị, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải… về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Hà Nội muốn bán biệt thự để làm đường sắt trên cao tỷ đô |
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, tổng cộng Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km. Ước tính, tổng vốn đầu tư của 10 tuyến đường này lên tới hơn 40 tỷ USD.
Trong số đó, có 2 dự án đang triển khai nhưng đều chậm tiến độ. Đó là dự án Cát Linh – Hà Đông (chậm tiến độ nhiều năm, dự kiến vận hành thử cuối nă 2017 và khai thác vào cuối quý II/2018). Tuyến Nhổn – ga Hà Nội đang thi công được 30%, khai thác vào năm 2021, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu là 3 năm.
Ước tính nhu cầu vốn giai đoạn 2017-2020 cho các dự án đường sắt đô thị lên đến trên 7,5 tỷ USD, còn từ 2021 – 2025 là hơn 7,6 tỷ USD. Nguồn vốn thực hiện dự án là từ vay vốn ODA (đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; đoạn ga Hà Nội – Yên Sở, Hoàng Mai) và kêu gọi các nhà đầu tư.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện tại đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị. Đó là tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty Mosmetrostroy (Nga), công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên doanh Tổng công ty Licogi và Tập đoàn MIK Group Việt Nam và tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị.
Để có tiền làm dự án, UBND TP. Hà Nội còn đề nghị Chính phủ cho phép rà soát, thống kê quỹ đất chuyên dùng, nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố dôi dư khi sắp xếp để đấu giá bán, cho thuê.
Ước tính Hà Nội có thể thu được 15 nghìn tỷ từ việc này. Cụ thể với nhà đất chuyên dùng và biệt thự của nhà nước nằm trong danh mục được phép bán, Hà Nội đề nghị tổ chức bán đấu giá. Còn với nhà biệt thự không được phép bán, Hà Nội tính cho thuê với thời hạn từ 30-50 năm, thu tiền thuê nhà 1 lần.
Đặc biệt, Hà Nội còn đề nghị được sử dụng toàn bộ số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố. Dự kiến số thu giai đoạn 2016-2020 lên tới 22.500 tỷ đồng.
Hà Duy