Sau cú vấp ngã của những “đại gia” cá tra, cá ba sa, những tưởng ngành xuất khẩu thủy sản miền Tây Nam Bộ sẽ có những bài học kinh nghiệm, nào ngờ nối bước con cá, hàng loạt “đại gia” tôm tại vùng tôm lớn nhất nước lại đi vào vết xe đổ của “đại gia” cá.

Điểm qua những “đại gia” xộ khám, dễ dàng nhận thấy hầu hết đều thiếu năng lực xuất khẩu, yếu kém trong quản lý. Dù nợ nần đầm đìa nhưng lại tự cho mình là “đại gia” để lòe thiên hạ.

Kỳ 1: Nợ nần khoác áo ”đại gia”

Dư luận chưa hết bàng hoàng khi Cty chế biến xuất khẩu thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) vỡ nợ. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc bỏ sang Mỹ định cư để lại khoản nợ trên 1.800 tỉ đồng. Liên quan đến vụ việc gọi là “đại án”, 28 đối tượng bị truy tố, khởi tố mà phần đông là những cán bộ ngân hàng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chính ông chủ tịch HĐQT vay tiền không dùng để xuất khẩu thủy sản mà để xây toà lâu đài tại Sóc Trăng.

Lấy tiền vay xây lâu đài, mua xe xịn

Lợi dụng chủ trương của Chính phủ khuyến khích xuất khẩu thủy sản thông qua các khoản vay ưu đãi dùng để xuất khẩu vào năm 2009 - 2012, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty chế biến xuất khẩu thủy sản Phương Nam - Lâm Ngọc Khuân biết rõ Cty làm ăn khó khăn, thiếu tiền trả nợ nên chỉ đạo cho các thuộc cấp kê khống số lượng mua vào, làm khống các hóa đơn, chứng từ xuất khẩu tôm để lập hồ sơ vay tổng cộng trên 2.000 tỉ đồng. Số tiền này Khuân không dùng vào kinh doanh mà đem về xây cả một toà lâu đài tráng lệ tại Sóc Trăng.

{keywords}

Nhà máy Thiên Mã được xây mới trong lúc giám đốc doanh nghiệp này nợ nần trên 700 tỉ đồng.

Đương thời, Tổng giám đốc Khuân là một người “có máu mặt” trong ngành xuất khẩu thủy sản. Đi xe ôtô xịn, sống như đế vương bằng chính những số tiền vay từ các ngân hàng. Khi bị khởi tố mọi người mới vỡ lẽ là ngay chính chiếc áo của “đại gia” này mặc cũng là tiền vay bạc hỏi.

Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt khẩn cấp ông Phan Bá Tòng - Giám đốc Cty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã (Cần Thơ) - với số tiền thiệt hại cho Nhà nước lên đến trên 700 tỉ đồng. Mặc dù từ 2012, Cty Thiên Mã có dấu hiệu làm ăn thua lỗ, nhưng để vay được tiền, Tòng cho mở rộng thêm nhà máy và mua sắm nhiều tài sản cá nhân lên đến hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói, Tòng đã làm đơn xin mua trực thăng để thuận tiện cho việc kinh doanh dù đang nợ nần đầm đìa.

Mở Cty xuất khẩu thủy sản để ăn chơi phung phí

Đó là những lời ta thán của cán bộ và nhân dân tỉnh Cà Mau đối với lãnh đạo 7 Cty thủy sản vừa bị Viện KSND Tối cao truy tố, đang chờ ngày ra tòa lĩnh án. Nổi lên hết là Nguyễn Tấn Hải - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH chế biến và xuất khẩu Việt Hải (Cty Việt Hải), đóng tại KCN Hòa Trung, ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, Cà Mau. Trước khi thành lập Cty Việt Hải vào tháng 6.2008, Nguyễn Tấn Hải là một người lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Hải bị Công an TPHCM bắt vào 9.1996 và bị TAND TPHCM kết án 13 năm tù về tội danh trên. Ở tù được 10 năm, nhờ vào chính sách khoan hồng của Nhà nước, tháng 10.2006 Hải được tha tù trước thời hạn. Ra tù, 2 năm sau Hải về Cà Mau thành lập Cty Việt Hải nhằm mục đích để tiếp tục lừa đảo. Chỉ trong vòng hai năm (2009 - 2010) Hải đã chiếm đoạt của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Minh Hải số tiền lên đến trên 75 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Hải khai nhận chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập khống, kê giá trị và khối lượng mua vào không đúng với thực tế để phù hợp với hồ sơ giải ngân; chỉ đạo nhân viên lập khống hợp đồng xuất khẩu và các tài liệu có liên quan để được vay vốn ưu đãi. Sau khi được VDB Minh Hải giải ngân, lập khống bản kê thu mua nguyên liệu đầu vào, lập khống hồ sơ chứng từ xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ giải ngân. Nhận được tiền vay, Hải chỉ đạo cho thuộc cấp chuyển cho mình với số tiền lên đến trên 5 tỉ đồng. Đơn cử, ngày 22.10.2009, Cty Tân Hải được giải ngân 3 tỉ đồng, Cty chi cho cá nhân Nguyễn Tấn Hải trên 1 tỉ đồng; 30.10.2009 Cty Tân Hải vay 4 tỉ đồng, Hải nhận 300 triệu đồng; ngày 4.11.2009, Cty Tân Hải vay 3 tỉ đồng, chi cho Hải hơn 2,3 tỉ đồng; 7.5.2010 Cty Tân Hải vay 4,3 tỉ đồng, chi cho Hải 1,5 tỉ đồng.

Ngoài ra Hải chỉ đạo Cty Việt Hải lấy tiền vay được để mua nhà đứng tên mình trị giá 1,5 tỉ đồng; trả nợ thay cho mình 900 triệu đồng. Biết việc mình làm thế nào cũng bị lộ, tháng 5.2011, Hải bàn với Võ Ngọc Bích - thành viên Cty Tân Hải - bán toàn bộ Cty Tân Hải cho ông Phạm Tiến Dũng với chiêu bài “cơ cấu lại doanh nghiệp”. Ngày 24.12.2014, Nguyễn Tấn Hải bị bắt và tạm giam cho đến nay.

(Theo Lao động)