Cuối năm nay, gói vay ưu đãi này chính thức đóng lại, có người vui vì đã mua được nhà, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Nhiều người mua nhà kỳ vọng có thêm một gói tín dụng ưu đãi thứ hai, song tới nay vẫn chưa thực hiện được do còn một số vướng mắc, lại chỉ áp dụng với nhà ở xã hội.
Kết thúc gói vay ưu đãi
Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân tích cực, dự kiến đến 31/12/2016 - thời điểm kết thúc chương trình - sẽ đạt khối lượng giải ngân 30.000 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.
Hết tháng 11/2016, chương trình đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng, với tổng dư nợ là 24.166 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà ở của mình) là 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), tổng dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.
Dự án chung cư thương mại được hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ đồng |
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp (gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội) 5.395 tỷ đồng. Dư nợ đạt 3.516 tỷ đồng.
Đã có tổng cộng 19 ngân hàng tham gia cho vay, trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình được vay theo gói tín dụng này.
Với mục đích hỗ trợ những người khó khăn về nhà ở đồng thời góp phần kích thích thị trường bất động sản thoát khỏi trầm lắng, đầu năm 2013, trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành, Chính phủ đã quyết định thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, với điểm nổi trội nhất là lãi suất ưu đãi.
Với nhiều lần điều chỉnh đối tượng, mức độ ưu đãi và thời gian ổn định lãi suất vay, sau 3 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được dư luận hoan nghênh và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với thị trường BĐS; lượng giao dịch ngày càng tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp; cơ cấu sản phẩm nhà ở đã từng bước được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng.
Đầu năm 2016, người mua nhà xôn xao bởi thông tin gói vay này sẽ kết thúc vào giữa năm. Việc người mua bị “đứt gánh giữa đường” sẽ có thể buộc phải vay tiếp theo lãi suất thương mại, dẫn tới hậu quả chung là làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán, vỡ nợ cá nhân và kéo theo gánh nặng nợ xấu cho bản thân ngân hàng chủ nợ và dang dở dự án đang triển khai...
Theo đại diện một chủ đầu tư làm nhà ở xã hội ở Hà Nội, trước đây, vì biết được ưu đãi tín dụng nên nhiều khách hàng quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội. Nhưng khi hết ưu đãi, người dân sẽ không mặn mà gì nữa, hoặc có quan tâm thì cũng không đủ khả năng tài chính để mua.
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư quy định gia hạn với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc gói 30.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2016. Thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đã được NHNN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ.
Có gói vay ưu đãi thứ hai?
Gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng là lúc nhiều người mua nhà kỳ vọng có thêm một gói thứ hai. Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc hỗ trợ cho người nghèo mua nhà giá thấp hay nhà ở xã hội đã được chính thức đưa vào luật Nhà ở và Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội.
Giấc mơ mua nhà của lao động nghèo |
Ông Nam cho hay, luật Nhà ở và Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã đề cập đến việc hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội và đây chính là chìa khoá giúp người thu nhập thấp có thể tiếp tục được vay vốn lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội.
Nghị định này có quy định, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành ít nhất 3% dư nợ cho vay để cho vay nhà ở nhà ở xã hội. Với tổng mức dư nợ của 5 ngân hàng thương mại mà NHNN đang nắm cổ phần chi phối lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng sẽ luôn có 1 khoản lớn hơn 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; đồng thời cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở. Tính đến hết 31/12/2016, lãi suất cho vay của chương trình là 4,8%/năm theo Quyết định số 1013 của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Còn về hạn mức cho vay thì tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà để ở, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Tuy nhiên, cho tới nay, gói vay ưu đãi này cũng chưa thực hiện được chính thức do còn một số vấn đề vướng mắc, lại chỉ áp dụng cho nhà ở xã hội. Chính vì thế các đối tượng mua nhà ở thương mại 1 tỷ đồng sẽ không còn cơ hội vay như gói 30.000 tỷ đồng trước đó.
Duy Anh