Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý sử dụng đất đai sau khi đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013-2016 tại 7 tỉnh, thành. Kết quả kiểm toán cho thấy công tác quản lý, sử dụng đất còn nhiều sai sót, hạn chế và bất cập.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước khi kiểm toán việc quản lý đất tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa cho thấy, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các địa phương này chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém. Điều này dẫn đến quá trình triển khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều lần do trùng lắp quy hoạch với các dự án khác hoặc không phù hợp với quy hoạch chung.
Quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết dự án phát triển nhà ở còn thiếu đồng bộ. Một số chỉ tiêu quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định hiện hành như diện tích đất bố trí xây dựng trường học, trường mầm non, y tế không đủ nhu cầu tại chỗ; bố trí đất làm bãi đỗ xe, cây xanh thiếu so với quy định; khoảng cách giữa các dãy nhà cao tầng chưa đảm bảo mức tối thiểu theo quy chuẩn,...
Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa |
Một số dự án phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhưng không tiếp thu đầy đủ ý kiến các bộ, ngành chức năng dẫn đến một số chỉ tiêu không phù hợp quy định; quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2000 được duyệt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.
Điều chỉnh quy hoạch của một số dự án tại các thành phố lớn không căn cứ vào định hướng quy hoạch chung, còn bất cập. Đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao tầng theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh. Điều này đã làm cho mật độ và số lượng dân số tăng. Đây là yếu tố cơ bản gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư.
Liên quan công tác giao đất, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ một số địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ đinh, vi phạm Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành,...
Theo Kiểm toán Nhà nước, do giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường. Giá đất xác định theo các phương pháp do địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 8.300 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước của các dự án được kiểm toán là gần 4.000 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là hơn 4.300 tỷ đồng.
Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất; giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, thuế Giá trị gia tăng chuyển nhượng bất động sản, quy hoạch, đất ở không hình thành đơn vị ở qua kết quả kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để hướng dẫn áp dụng một phương pháp xác định giá đất tối ưu nhằm tránh mỗi địa phương, đơn vị áp dụng tùy tiện các phương pháp khác nhau gây thất thu ngân sách.
L.Bằng