Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Bộ KH-ĐT công bố sáng nay, 8/6, cho thấy một quyết tâm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp mạnh chưa từng thấy.

Sự kiện do Bộ KH-ĐT, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và tổ chức USAID- GIG đồng tổ chức. Đây là tin vui cho các DNNVV khi Chính phủ luật hoá các nội dung ưu đãi từ A-Z, từ lúc khởi nghiệp cho đến khi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Có tới 9 nội dung ưu đãi, bao quát tất cả các lĩnh vực trong đời sống của một DN được quy định khá cụ thể, từ vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng thương mại và các quỹ, định chế tài chính, hỗ trợ về thuế, công nghệ, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tư vấn thông tin, xúc tiến thương mại ở rộng thị trường.

{keywords}

Quỹ Đầu tư khởi nghiệp nếu kêu gọi được 10 tỷ đồng vốn huy động thì sẽ được kêu gọi Nhà nước tham gia góp vốn tối đa tới 30%. Sau 5 năm, Quỹ có thể mua loại toàn bộ phần vốn góp của Nhà nước...

Dự luật quy định cứng đến từng tỷ lệ trách nhiệm phải hỗ trợ, ưu tiên cho các DNNVV.

Cụ thể, đối với lĩnh vực thuế, doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực ưu tiên sẽ được giảm 5 điểm phần trăm thuế suất so với mức thuế phổ thông trong 5 năm kể từ khi DN có hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại thời điểm này, thuế thu nhập DN đang ở mức 20%. Nếu được giảm 5 điểm phần trăm, các DN startup chỉ phải nộp thuế ở mức 15%. Các lĩnh vực ưu tiên hiện nay theo thống kê của Ban soạn thảo gồm 10 nhóm ngành như nuôi trồng chế biến nông lâm thuỷ hải sản, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, điện tử, da giày, may mặc,...

Liên quan đến công nghệ, dự luật quy định các chương trình, đề án, dự án khoa học công nghệ,... thì phải dành tối thiểu 30% kinh phí cho các DNNVV.

Hay khi mua sắm công, sẽ phải dành tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hơp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV cung ứng.

Ngoài việc ưu đãi trực tiếp đến DNNVV, các tổ chức trung gian ở lĩnh vực tài chính, đất đai, xúc tiến thương mại cũng sẽ được hưởng ưu đãi của Nhà nước khi hướng tới các DNNVV.

Tương tự, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cho DNNVV thuê trên 30% diện tình đất sẽ được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu tiên, áp dụng mức thuế 10% trong 15 năm tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo...

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cũng sẽ góp vốn tối thiểu 30% để xây dựng, vận hành hệ thống chuỗi phân phối sản phẩm của DNNVV.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, chia sẻ: "Hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV rải rác ở nhiều văn bản, nhiều cơ quan quản lý, chưa nêu cụ thể. Hệ quả là nhiều DN lớn tiếp cận các ưu đãi tốt hơn. Do vậy, Luật này sẽ nhất thể hoá, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ các chính sách dành riêng cho các DN này".

Tuy nhiên, ông Đông lưu ý, sẽ hỗ trợ chọn lọc, ưu tiên các DN có tiềm năng phát triển. Các cơ chế ưu đãi sẽ đảm bảo công khai, minh bạch.

Dự kiến, Hội đồng Phát triển DNNVV quốc gia, do Thủ tướng là Chủ tịch Hội đồng, sẽ là cơ quan điều phối chung.

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến hết 31/12/2015, dư nợ tín dụng cho vay đối với DNNVV mới đạt khoảng 1,052 triệu tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, DNNVV là lực lượng đông đảo nhất khi chiếm 97% tổng số DN hiện nay.

Phạm Huyền