Sau hơn một thập kỷ phát triển huy hoàng, giúp người dân Lục Ngạn đổi đời, thì thời kỳ đen tối lại ập đến ngay sau đó khi được trồng ồ dạt dẫn đến thừa cung, giá rớt thê thảm xuống còn 1.500-2.000 đồng/kg. Người dân không thèm hái bán khiến vải chín rụng đầy vườn.

Vải thiều vỡ trận

Ngồi ngẫm lại quãng thời gian gắn bó với cây vải thiều từ năm 1975 đến giờ, ông Nguyễn Văn Hiền ở Tân Mộc (Lục Ngạn, Bắc Giang) tâm sự, nay trồng vải người dân đã biết tính toán tỉa tán, tính lượng phân cần bón, lúc nào cần chăm, lúc nào cần thúc, phun loại thuốc bảo vệ thực vật nào an toàn,... rồi tính chuyện đầu ra. Còn trước kia trồng theo kiểu truyền thống được đâu ăn đấy, thấy được giá cứ thế mở rộng diện tích, trồng ồ ạt. Bởi ai cũng nghĩ, giá vải cao thế tội gì không trồng, diện tích càng lớn càng được nhiều tiền.

Thế nên, thời đó tất cả các cây trồng khác từ tre, khoai, lạc, sắn, lúa, bạch đàn,... đều phải nhường đất cho cây vải thiều. Đi từ đầu Lục Ngạn đến cuối đất Lục Ngạn, người ta chỉ thấy rặt vải thiều là vải thiều, ngoài ra chẳng thấy cây trồng gì khác. 

{keywords}
Vải thiều được người dân Lục Ngạn đua nhau trồng, thậm chí họ còn phá hết cây cối khác để trồng vải. Năm 2007, diện tích vải thiều tăng lên đỉnh điểm với 22.000ha

Nhà ông Hiền cũng không phải ngoại lệ. Từ vài trăm gốc vải ban đầu, ông mở rộng diện tích trồng vải lên gần chục hec-ta. Kèm theo đó, sản lượng vải thu hoạch mỗi năm tăng lên đáng kể do càng trồng, càng đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm giúp cây sai quả hơn.

Song, cái gì làm quá cũng không tốt. Ngay sau thời kỳ huy hoàng (1990-2000) với giá vải thiều bán ra cao ngất ngưởng, dân thu vàng ròng, mua sắm xe, xây nhà cửa,... thì từ năm 2000 trở đi, giá vải bắt đầu giảm dần. Đỉnh điểm là giai đoạn 2003-2007, giá vải rớt thê thảm.

"Thời điểm đó giá vải rẻ lắm. Bán cả sọt vải mà được có mấy chục ngàn đồng vì giá  chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg", ông Hiền nói. Giá rẻ, tiền vải không đủ tiền công thuê người thu hái nên nhà ông bỏ vải chín rụng đầy vườn, không thèm bẻ đem bán. Một số hộ thấy giá vải quá rẻ còn chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác.

Anh Phùng Trần Khoan ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cũng chia sẻ, thời kỳ đầu trồng vải, mỗi năm anh thu được hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, sang giai đoạn 2003-2007, giá vải rẻ khiến gia đình anh gần như không thu được đồng nào, tiền bán vải chỉ đủ tiền phân thuốc.

{keywords}
Hậu quả của trồng ồ ạt là giai đoạn 2003-2007, vải thiều thừa cung giá rớt thê thảm (ảnh: Lê Anh Dũng)

Dù vẫn là những vụ mùa bội thu với vườn vải chín đỏ au, cho những chùm quả sai trĩu cành, nhưng đi ra đường mặt ai cũng buồn thiu, nhìn nhau chẳng thèm cười nói. Bởi, vải giá rẻ quá bán thì tiếc, không bán thì đến kỳ chín rụng đầy, ăn cũng không xuể.

"Khi ấy, tôi cũng hoang mang lắm, không biết nên giữ vải lại hay phá bỏ. Cũng may thời điểm đó cố giữ lại vì nghĩ dù bán giá rẻ nhưng không bị lỗ do trồng cây vải tốn rất ít chi phí", anh nói.

Bài học cay đắng từ sản xuất tự phát 

Với người nông dân Lục Ngạn, thời kỳ đó, ăn trái vải họ không còn cảm thấy vị ngọt mà thay vào đó là vị đắng nhiều hơn. Bởi, họ đã thực sự thấy được bày học đắng cay khi trồng vải thiều một cách ồ ạt.

Ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, diện tích vải thiều tăng nhanh chóng, đỉnh điểm năm 2007, khi toàn vùng lên đến 22.000ha, trong khi những năm đầu của thập niên 90 diện tích chỉ khoảng hơn chục ha. Kết quả, cung vượt cầu, giá vải giảm thê thảm xuống còn 1.500-3.000 đồng/kg tuỳ thời điểm.

{keywords}
Giá vải giảm còn 1.500-2.000 đồng/kg. Bán 1 sọt vài dân Lục Ngạn chỉ thu được mấy chục ngàn (ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng may, theo ông Thành, sau khi bị cây vải "vỡ trận", tỉnh uỷ, huyện uỷ ngồi lại để họp bàn và nhận ra rằng sản xuất theo kiểu tự phát đang có vấn đề lớn.

Hơn 2 thập kỷ cây vải phát triển thành hàng hoá, có quá nhiều lỗ hổng trong việc phát triển loại cây ăn quả này. Ông Thành dẫn chứng, diện tích vải tăng mạnh mà không tính đến chuyện mở rộng thị trường. Đó là chưa kể, vải thiều là cây có đặc thù chỉ chín và thu hoạch trong vòng 2 tháng, quả vải chỉ bảo quản được trong vài ngày nên khi thu hoạch rộ sẽ bị thừa cung dẫn đến giá giảm.

Thứ nữa là tình trạng độc canh, người dân tự xoá bỏ các loại cây trồng khác để trồng cây vải thiều. Vì thế, khi vải rớt giá, nguồn thu duy nhất của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Rồi người dân vẫn áp dụng kiến thức canh tác lạc hậu, để thân cây to, tán nhiều cành, nhất quyết không chịu áp dụng cách tỉa tán hình phễu mà chuyên gia Thái Lan đã chỉ dạy. Trong khi, cách làm đó giúp cây đón được nhiều ánh sáng vào sâu trong thân, phòng tránh được sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi quả, dễ thu hái quả hơn. 

Phân bón cũng vậy, không có một kỹ thuật nào cho phù hợp. Thương hiệu không được quan tâm, chỉ có hai thị trường chính là Hà Nội và đưa vải biên giới Trung Quốc, một lượng rất nhỏ vào TP. Hồ Chí Minh.

"Mọi thứ tôi cảm nhận như quay về con số 0. Tất cả cần phải thay đổi, làm lại từ đầu mới mong có thể giữ được vùng vải thiều này, mới thoát khỏi được thời kỳ đen tối, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Thành tâm sự.

Bảo Hân