20% có tiền lương không đủ sống. Cho nên cứ nói lương tối thiểu tăng cao mà người lao động có đủ sống không. Họ còn  phải chịu bao vấn đề của xã hội như học hành, con cái cưới hỏi,... - đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam băn khoăn.

Lương tăng, máy móc chiếm việc của con người

Lương tối thiểu tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,23%. Song, khi lương tối thiểu tăng 1% thì lao động lại giảm 0,13% và tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu giảm 2,3 điểm phần trăm. Như vậy việc tăng lương tối thiểu tác động tiêu cực đến lợi nhuận cao hơn đáng kể so với lao động và việc làm.

Đó là điều được TS. Yamauchi Futoshi, chuyên gia Ngân hàng Thế giới chia sẻ tại Hội thảo "Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam" do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 13/9.

Lao động rẻ từng là lợi thế của Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: Lương phải phản ánh đúng năng suất lao động và trả đúng như vậy. Nếu trả thấp hơn thì không trả đủ sức lao động người lao động bỏ ra. Còn nếu lương trả cao hơn năng suất lao động thì nền kinh tế có vấn đề do làm giảm lợi nhuận của DN, giảm tích lũy.

Viện trưởng VEPR cho rằng chi phí lương tối thiểu các DN tại Việt Nam phải gánh chịu (gồm tổng lương tối thiểu và đóng góp vào bảo hiểm) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan và cao hơn mức chi phí tại Indonesia. Trong khi đó, GDP của Thái Lan cao hơn nhiều Việt Nam. Điều này cho thấy GDP của ta nhỏ hơn các nước này nhiều trong khi lương tối thiểu không hề thua kém.

Ông Thành than phiền: Việt Nam tăng lương nhanh quá, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Trong khi đó, ở nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,... tốc độ tăng năng suất lao động bao giờ cũng cao hơn tốc độ tăng lương.

Điều này làm giảm tích lũy của DN, giảm động cơ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và ảnh hưởng dòng vốn đầu tư.

TS Nguyễn Đức Thành cũng bày tỏ quan ngại việc tăng lương tối thiểu các DN sẽ phản ứng bằng cách cắt giảm lao động.

Không sống nổi với lương tối thiểu

TS Hồ Đình Bảo, Đại học Kinh tế quốc dân - người từng làm nhiều nghiên cứu về năng suất lao động - không khỏi ngạc nhiên khi nghiên cứu của VEPR nhận định: DN giảm lao động khi lương tăng, nhất là trong ngành điện, điện tử ở Việt Nam, lương tối thiểu tăng nên DN vừa giảm đầu tư cho máy móc thiết bị, vừa giảm việc làm.

Giải thích điều này, TS Nguyễn Đức Thành tiếp tục khẳng định khi lương tăng, DN sẽ giảm bớt chi cho lao động và chi cho máy móc. "Chúng tôi đã thấy điều này trong các ngành thâm dụng lao động như đồ uống, dệt may, giày da,... Một số ngành rất đặc biệt như điện tử, máy tính lại vừa cắt giảm máy móc vừa cắt giảm lao động.

{keywords}
20% lao động có tiền lương không đủ sống

“Có nghĩa, nếu thấy việc đầu tư vẫn hiệu quả họ sẽ cắt giảm lao động để đầu tư vào máy móc. Còn DN một số ngành nghĩ rằng tiền lương tăng lên vắt kiệt lợi nhuận nên họ cũng không đầu tư vào máy móc nữa mà thu hẹp cả sản xuất và cả lao động. Bi quan hơn, có thể nhà đầu tư thấy với tốc độ tăng lương thế này Việt Nam không còn lợi thế nữa nên có động thái rút dần đầu tư”, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, thừa nhận về nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương không thể bằng tốc độ tăng năng suất lao động.

Lý giải cho việc tốc độ tăng tiền lương tối thiểu thời gian qua tăng nhanh, ông Chính cho rằng vì lương tối thiểu nay chưa đủ sống.

“Nếu tiền lương tối thiểu đủ sống rồi hàng năm chỉ căn cứ vào trượt giá, GDP, năng suất lao động để điều chỉnh, khi ấy lương tối thiểu chỉ tăng 3-4%/năm thôi, đâu cần 7-8% như giờ”, ông Chính nói.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng việc đánh giá tiền lương tối thiểu mới chỉ nghiêng về DN, chưa nghiêng về người lao động.

“Vợ chồng công nhân lương 10 triệu không đủ sống. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ 16% người lao động có tích lũy, nhưng cũng chỉ tích lũy được khoảng 1 triệu hoặc hơn chút. Đó là lao động còn độc thân, còn lao động đã có gia đình, có con thì không đủ sống. Đa số sống tằn tiện và cực khổ. 20% có tiền lương không đủ sống. Cho nên cứ nói lương tối thiểu tăng cao mà người lao động có đủ sống không? Họ phải chịu bao vấn đề của xã hội như học hành, con cái cưới hỏi,... ”, ông Mai Đức Chính băn khoăn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, quan ngại và đánh giá chính sách tiền lương tối thiểu hiện nay không bảo vệ được nhóm lao động dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, trẻ tuổi có trình độ giáo dục thấp.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhìn nhận, nếu chúng ta dùng chính sách lương tối thiểu để thực hiện chức năng bảo trợ xã hội là không đạt yêu cầu vì vẫn không bao phủ được 50% dân cư. Lý do là hơn 50% dân cư vẫn không chịu tác động của lương tối thiểu.

Ông Tuyển cũng gợi ý một hướng đi mạnh mẽ hơn, đó là nghiên cứu 1 cơ chế thỏa thuận về tiền lương là chủ yếu, “không có lương tối thiểu gì cả”. Nếu DN thấy cạnh tranh được, tăng lương tác động tốt cho họ thì họ tăng lương.

Nếu còn duy trì chính sách lương tối thiểu, Viện trưởng Nguyễn Đức Thành kiến nghị nên chuyển lương tối thiểu tính theo giờ tối thiểu, không nên tính theo tháng. Vì tính theo giờ vừa công bằng hơn cho người nhận lương lẫn người trả lương.

Lương Bằng