Trung Quốc đi sau Hàn Quốc 6 tháng?

Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc chỉ đi sau các nền kinh tế phát triển trong đó có Hàn Quốc 6 tháng về công nghệ thông tin, cho dù Hàn Quốc nổi tiếng về công nghệ cao, từ điện thoại thông minh Samsung cho đến hệ thống mạng lưới internet tốc độ cao nhất thế giới và những sáng tạo hàng đầu trên thế giới.

Cũng theo hãng tin này, trong khi Hàn Quốc đang kỳ vọng vào các kế hoạch phát triển công nghệ mới để thúc đẩy nền kinh tế trong 5 năm tới thì có một thực tế khó thay đổi là: lợi thế của các hãng công nghệ Hàn Quốc so với các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc đang thu hẹp rất nhanh.

Trong vòng 5 năm tới, sự khác biệt giữa về công nghệ giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc ở hầu hết các lĩnh vực, từ điện thoại thông minh, thiết bị cầm tay, chíp nhớ và thiết bị điện tử thông minh… sẽ rất nhỏ.

{keywords}
Công nghệ Trung Quốc đang theo sát Hàn Quốc.

Báo cáo của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho thấy công nghệ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gần như tương đồng. Hai ngành ít ỏi mà Hàn Quốc chiếm ưu thế là: bán dẫn và màn hình. Đây là lý do mà chính phủ Hàn Quốc không nên chậm trễ và cần phải có kế hoạch tổng thể để đưa ra các chương trình cụ thể và những cải cách cần thiết để thoát khỏi sự bám đuổi của Trung Quốc.

Cũng theo Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc có mục đích rất rõ ràng là đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ phát triển dựa trên lực lượng lướn lao động giá rẻ sang các lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp: từ chế tạo robt tới hàng không vũ trụ. Chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc trở thành đối thủ mạnh của Hàn Quốc.

Sự cạnh tranh về công nghệ diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang vật lộn tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thay thế cho các ngành sản xuất truyền thống như đóng tàu, vốn đang vật lộn để tồn tại trong thời gian gần đây.

Theo tính toán của chính người Hàn Quốc, cuộc cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc trở nên gay cấn hơn bao giờ hết khi mà khoảng cách về công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc tính trên 24 ngành công nghiệp chủ chốt, trong đó có công nghệ sinh học và màn hình, giờ chỉ còn rất ngắn: trung bình 0,9 năm.

Điều đó có nghĩa là, nếu Hàn Quốc không thúc đẩy phát triển công nghệ và công nghệ không tiến về phía trước thì các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bắt kịp trong vòng 6-11 tháng. Với mức giá cả hàng hóa vốn rất rẻ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể đè bẹp doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cuộc đua tới hồi gay cấn

Trước đó, hồi đầu tháng 3, Trung Quốc khiến cả thế giới giật mình khi tẩy chay Hàn Quốc, trả đũa trên rất nhiều lĩnh vực đối với nền kinh tế xứ sở Kim Chi, từ du lịch, mỹ phẩm, các ban nhạc cho đến từng doanh nghiệp cụ thể như Lotte.

{keywords}
Điện thoại thông minh Trung Quốc có công nghệ theo sát Hàn Quốc.

Sự phát triển của nền kinh tế với khả năng tự cung tự cấp, từ công nghệ tìm kiếm với Baidu thống trị thị trường tỷ dân (thay cho Google) tới mạng xã hội Weibo hay Wechat (thay cho Facebook), hay trang bán hàng trực tuyến Alibaba (thay cho Amazone)… khiến giới đầu tư e ngại.

Gần đây, start-up công nghệ dịch vụ đi nhờ xe đình đám của Mỹ cũng như thế giới: Uber, cũng đã phải chào thua trước đại gia ứng dụng gọi xe nội địa Didi Chuxing của Trung Quốc. Uber chấp nhận thua lỗ dù đã rót hàng tỷ USD vào thị trường này. Hay như trường hợp Yahoo bán mình cho Alibaba.

Trang chia sẻ phòng ở nổi tiếng của Mỹ Airbnb (bed and breakfast) gần đây cũng đã phải tìm lối đi riêng ở Trung Quốc. Họ phải thay tên đổi họ thành Aibiying để tấn công vào thị trường tỷ dân, doanh thu hàng trăm tỷ USD/năm để tránh thảm kịch chết yểu, bán mình cho đối thủ như trưởng hợp Uber.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã không ngần ngại tẩy chay hàng hóa Nhật, cấm du lịch theo đoàn tới Nhật Bản gần một năm sau khi tranh chấp vấn đề chủ quyền biển đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

{keywords}
Nhật Bản có công nghệ vượt trội nhưng cũng không còn quá xa so với Trung Quốc trong thời buổi hội nhập cao.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ trên thế giới, cả những ông lớn lâu đời cho tới những công ty khởi nghiệp. Dòng vốn FDI đổ cùng với công nghệ đổ nhanh vào Trung Quốc đã giúp nền kinh tế này phát triển nhanh. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhanh chóng bắt chước mô hình kinh doanh, sao chép công nghệ và kỹ năng quản lý doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra hàng loạt các loại hàng hóa với công nghệ từ thấp đến cao, từ những đồ điện tử gia dụng cho tới cho các lĩnh vực trong sản xuất xe máy, ô tô và thậm chí cả máy bay, tên lửa…

Nếu thế giới có một mô hình kinh doanh mới, Trung Quốc ngay lập tức có doanh nghiệp giống như vậy. Với sự hỗ trợ, bảo hộ từ chính phủ, các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng và hiện giờ không ít đã trở thành các ông lớn và có thể cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp đi đầu trên thế giới.

Với khoảng cách về công nghệ rất ngắn so với Hàn Quốc, có lẽ chỉ trong một thời gian ngắn nữa các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ theo kịp “huyền thoại phát triển thần kỳ của Hàn Quốc”, nhất là khi mà Hàn Quốc đang lo lắng với một Triều Tiên đầy khó lường ngay bên cạnh.

Nhật Bản gần đây cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn từ làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập ở châu Á và cả châu Â, châu Mỹ. Người Nhật thậm chí còn phải lo lắng tới các chính sách tiền tệ của Bắc Kinh, với cú sốc đồng NDT bị phá giá hồi tháng 8/2015.

Sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật, Hàn bị ảnh hưởng khá nhiều vì một đồng NDT liên tục giảm giá. Khoảng cách công nghệ ngày càng thu hẹp khi mà thế giới càng hội nhập, như hàng loạt các nhãn hiệu điện thoại của Trung Quốc cạnh tranh với Samsung của Hàn, hay Sony của Nhật… khiến thế giới e ngại.

V. Hà