Cộng đồng DN ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng vẫn còn một hành trình dài để có thể tác động trực tiếp tới DN. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa.

Lại tụt hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam còn xa mới bằng Thái Lan, Malaysia

Ngày 20/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Công bố Báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp". 

Thay đổi vừa phải

Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ban hành từ năm 2014 và Nghị quyết 35/NQ- CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, ban hành năm 2016 sau một thời gian được DN đánh giá, các chỉ số có cải thiện nhưng không như kỳ vọng.

VCCI đã khảo sát 10.000 DN trên toàn quốc, kết quả cho thấy, các thay đổi nhìn chung chỉ ở mức vừa phải, cải thiện rất tốt hầu như không có.

Trong Nghị quyết 19, có 11 lĩnh vực được liệt kê, trong đó 2 lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập DN và tiếp cận điện năng. Các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản DN,... được xem là không có cải thiện đáng kể.

{keywords}
DN còn gặp khó khăn trong quá trình xin giấy phép (ảnh minh họa)

Thậm chí, có những lĩnh vực còn thụt lùi như đăng ký bất động sản, tụt hạng từ vị trí 33 năm 2015 xuống 60 năm 2018. Cải cách tư pháp trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại và phá sản diễn ra rất chậm. Thi hành án kéo dài, tỷ lệ thành công thấp. Tỷ lệ DN sẵn sàng khởi kiện thấp và giảm theo thời gian, từ con số 60% năm 2013 giảm xuống còn 36% vào năm 2017. Những DN đã đáo tụng đình lại càng bi quan hơn.

Một số tỉnh, thành phố được cộng đồng DN đánh giá cao về cải thiện môi trường kinh doanh là: Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An.

Tính đến hết 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, thuộc các lĩnh vực Công Thương, Xây dựng, Lao động, Thương binh và Xã hội, VH-TT&DL, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục, GTVT, Nông nghiệp. Mặc dù hầu hết các bộ ngành đều thực hiện nhiệm vụ này và có những con số về tỷ lệ cắt giảm, nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa như mong muốn. 

Các DN cho biết, giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Có đến 58% số DN phản hồi, phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong đó có 42% nói họ gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Khá nhiều DN vẫn phàn nàn về tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên một năm vẫn chiếm gần 40%. Trong đó, có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra.

Đáng chú ý là hầu hết các DN được hỏi cho biết, họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành. Các cơ quan chức năng vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến DN mất nhiều thời gian. Theo báo cáo, có đến 43% số DN bị thanh tra về thuế, 30% về an toàn phòng cháy chữa cháy và 20% về quản lý thị trường.

“Nhìn chung, cộng đồng DN ghi nhận sự cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nỗ lực hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều và cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Rất nhiều cải cách đã được đưa ra nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới DN. Khoảng cách từ chính sách hỗ trợ, đến đối tượng thụ hưởng vẫn còn tương đối xa”, báo cáo nhận định.

Trên “nóng” nhưng dưới “lạnh”

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong việc thực hiện Nghị quyết 19 và 35, kết quả cải cách thực chất không nhiều, chỉ chiếm khoảng 40%. Quá trình cải cách còn chậm làm tốn quá nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.

{keywords}
Khá nhiều DN vẫn phàn nàn về tình trạng bị thanh, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp (ảnh minh họa)

Bà Lan tính toán, chỉ riêng Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nếu ban hành có thể giúp DN giảm chi phí được 3.700 tỷ đồng/năm. Nhưng sau 5 năm mới thay đổi, tính ra tốn kém biết bao nhiêu. Nếu lấy con số này nhân với 15 nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh mới ban hành thì có thể thấy một con số khổng lồ tiền của mà xã hội mất đi. 

"Chúng ta hay dùng cụm từ 'trên nóng, dưới lạnh' nhưng mong rằng, trên hãy 'nóng' hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh. Vì sao trong cùng một bộ máy mà dưới không chịu làm, không chịu thay đổi? Những con người như vậy, có nên giữ lại hay cần thải loại", bà Lan đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng cải cách có mang lại sự thay đổi nhưng không có đột phá. Mỗi thứ thay đổi một chút.

Chẳng hạn, nhìn từ lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài 10 tháng đầu năm 2018 thì thấy đang chững lại. Quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - EU ngày càng phát triển, nhưng đầu tư từ khu vực này lại không phát triển. Mỹ trong 10 tháng chỉ có số vốn đầu tư vào Việt Nam 400 triệu USD. Có phải do môi trường kinh doanh chưa được hoàn thiện, chưa đủ hấp dẫn, ông Toàn nghi ngại.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi ban hành các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh hay hỗ trợ DN, nếu DN vi phạm đều có chế tài xử phạt rõ ràng. Tuy nhiên, không thấy quy định nếu công chức làm sai, làm ngược sẽ bị xử lý thế nào, chế tài ra sao. 

TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét, Nghị định 19 ra đời chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam có tăng hạng, năm 2018 tăng 10 bậc so với 2014, thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN. Tuy nhiên, mức độ cải thiện theo đánh giá của các DN chỉ đạt 40-50%, rất ít DN đánh giá mức độ cải thiện đạt 70-80% và hầu như không có DN nào đánh giá các cải thiện đạt 90-100%. Điều này cho thấy cần có nỗ lực nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. 

Trần Thủy

Giảm thủ tục, cắt giấy phép con: 'Cuộc cách mạng' lần thứ 3 ở Bộ Công Thương

Giảm thủ tục, cắt giấy phép con: 'Cuộc cách mạng' lần thứ 3 ở Bộ Công Thương

“Cuộc cách mạng” thủ tục, giấy phép con lần thứ 3 này có nhiều bước cắt giảm mạnh mẽ những TTHC gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh đột phá: Doanh nghiệp lạc quan tăng tốc

Môi trường kinh doanh đột phá: Doanh nghiệp lạc quan tăng tốc

Các chuyên gia kinh tế cho biết, những cải cách về thủ tục hành chính, về môi trường đầu tư trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và của nhiều DN.

Ba năm cải cách, môi trường kinh doanh chỉ hơn Lào, Campuchia

Ba năm cải cách, môi trường kinh doanh chỉ hơn Lào, Campuchia

Nhiều chỉ số của môi trường kinh doanh Việt Nam dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 6, chỉ nhỉnh hơn so với Lào và Campuchia.