Nếu Brazil như “anh cả” của ngành mía đường đứng đầu thế giới có chính sách hỗ trợ của nhà nước, công tác nghiên cứu giống mía và sử dụng hiệu quả công cụ quản lý nông nghiệp chính xác, Thái Lan được chính phủ trợ cấp đến “tận răng”, Phillipines có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất thêm xăng sinh học từ mía, Ấn Độ được đầu tư bài bản với những nghiên cứu khoa học kỹ thuật bề dày 42 năm… thì nông dân và doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam lại đang “tự bơi” bởi còn thiếu các chính sách hỗ trợ thiết thực. 

Câu chuyện Thái Lan

Năng suất, chất lượng mía và hiệu quả thu hồi của Thái Lan thua kém Brazil nhưng trong vòng 4 năm vừa qua Thái Lan đã tăng thị phần xuất khẩu của đường ra thế giới từ 12,1% lên mức 15,8%.

Mía đường Thái Lan không thể có năng lực cạnh tranh với Brazil từ điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, địa hình ứng dụng cơ giới hóa đến quy mô sản xuất chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống tưới tiêu, năng suất chất lượng cây mía... Hiệu quả tổng thu hồi của các nhà máy chế biến. Bình quân chế biến 1 tấn mía các nhà máy đường Brazil sản xuất được 135 kg đường (hiệu quả thu hồi 7.5 kg mía được 01 kg đường), Thái Lan chỉ thu được 108 kg đường (hiệu quả thu hồi 9,3 kg mía được 01 kg đường).

{keywords}
Ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn lớn từ trong ra ngoài.

Từ năm 1984, khi Thái Lan ban hành Luật mía đường, Chính phủ Thái Lan đã và đang có những hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành mía đường phát triển dưới nhiều hình thức, từ hỗ trợ công khai bao gồm: hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần, kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu… tới hỗ trợ không chính thức như hỗ trợ tài chính trực tiếp 1,3 tỷ USD/năm, tài trợ nợ vay, trợ cấp đầu vào, hỗ trợ gián tiếp dài hạn, đặc biệt là chương trình hỗ trợ chuyển đổi vùng nguyên liệu từ trồng gạo sang mía trị giá 615 triệu USD.

Các chính sách của ngành mía đường Thái Lan đặc biệt tập trung vào việc đảm bảo cơ chế trợ cấp với nông dân và bảo hộ thương mại đối với doanh nghiệp.

Chính phủ Brazil đã thu thập nhiều bằng chứng để kiện Thái Lan ra toà án quốc tế vì cho rằng các chính sách ưu đãi của Thái Lan đối với ngành sản xuất đường đã giúp quốc gia này tăng thị phần xuất khẩu của đường Thái Lan ra thế giới là vi phạm nghiêm trọng các hiệp định thương mại quốc tế tại WTO về việc trợ giá và bán phá giá để chiếm giữ, mở rộng thị phần và hòng “tiêu diệt” các quốc gia sản xuất mía đường khác ở Đông Nam Á.

Thái Lan sẽ xóa bỏ hệ thống trợ cấp hạn ngạch kéo dài 30 năm qua và thả nổi giá đường nội địa từ cuối năm 2017 để tránh bị Brazil kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy xóa bỏ cơ chế hạn ngạch, nhưng chính phủ Thái Lan “lách luật” bằng cách thay thế bằng kho dự trữ. Về bản chất không có gì thay đổi so với trợ cấp hạn ngạch, đó chỉ là sự thay đổi về tên gọi, từ hạn ngạch sang “dự trữ đệm”. Chính phủ Thái Lan vẫn có thể phân bổ hơn 2 triệu tấn đường/năm cho tiêu dùng nội địa.

Thế khó của mía đường Việt Nam

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng sâu sắc từ chính sách cạnh tranh từ Thái Lan, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, đường lậu lại diễn biến phức tạp tại biên giới Việt Nam, nhất là việc thực hiện cam kết nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm với WTO, kết hợp với tình trạng gian lận thương mại từ các quốc gia trong khu vực, ngành mía đường Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn lớn từ trong ra ngoài.

{keywords}
Nông dân và doanh nghiệp ngành mía đường Việt Nam đang “tự bơi” bởi chưa có chính sách hỗ trợ bài bản từ chính phủ nước nhà.

Trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp mía đường Việt Nam bắt đầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị mới để tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đầu tư giống mới, phân bón, hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường.

Tất cả các chi phí đầu tư từ nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp hoặc phải vay với lãi suất thương mại từ các ngân hàng, không nhận được bất kỳ ưu đãi nào của chính phủ. Việc khấu hao chi phí thiết bị đầu tư mới cũng chỉ mới được vài năm trở lại đây.

Trong khi chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục trợ giá, can thiệp mua đường dự trữ để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, vi phạm các quy định WTO và các nhà máy đường Thái Lan với hơn 30 năm nhận được ưu đãi từ chính phủ đã phát triển lớn mạnh thì việc chúng ta theo lộ trình mở cửa thị trường để đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam là tạo sân chơi không công bằng cho các doanh nghiệp chế biến đường trong nước với các doanh nghiệp chế biến đường Thái Lan.

Chỉ còn hơn tháng nữa Hiệp định ATIGA có hiệu lực, chắc hẳn cuộc cạnh tranh của ngành đường Việt Nam sẽ không chỉ có Thái Lan mà còn nhiều nước khác trong và ngoài khu vực. Brazil là đất nước số 1 thế giới và có hiệu quả nhất thế giới về mía đường, đồng thời còn được trợ cấp mạnh mẽ của chính phủ Brazil mà vẫn đối mặt với các lo ngại từ Thái Lan. Do đó doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn gấp bội.

Vì vậy hơn lúc nào hết, ngành mía đường Việt Nam và gần 4 triệu công, nông, nhân viên đang làm trong ngành mía đường Việt Nam đang rất cần sự quan tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp từ chính phủ, bằng cách xem xét kỹ lưỡng về vấn đề trợ giá và bán phá giá của Thái Lan và những ảnh hưởng đến với mía đường Việt Nam. Từ đó có những bước đi cần thiết để có biện pháp đối phó, tạo sự công bằng cho việc cạnh tranh giữa ngành mía đường Việt Nam với các nước khác, đặc biệt Thái Lan trong hội nhập quốc tế. Bảo vệ sản xuất trong nước, sự sống còn của các DN và hàng triệu nông dân.

Mai Trang