Nói BOT tù mù là nhận xét của cá nhân ông Đặng Huy Đông chứ không phải nhận xét chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) - bộ chịu trách nhiệm chính trong việc một dự án BOT có được triển khai hay không, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên, cho hay.

Hé lộ về lợi nhuận của nhà đầu tư BOT

Không ảnh hưởng đến 7 triệu người đi xe máy

Mở đầu tọa đàm Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT, do Báo CAND tổ chức ngày 7/9, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã đề cập đến nhận xét của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông gần đây, rằng "BOT là tù mù, có rủi ro tham nhũng lớn nhất".

Ông Nguyễn Đức Kiên cho hay: "Chúng ta cần nói rằng Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và IMF về BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam".

"Nói BOT tù mù là nhận xét của cá nhân một người chứ không phải nhận xét chính thức của Bộ KH-ĐT, là bộ chịu trách nhiệm chính trong việc một dự án BOT có được triển khai hay không - ông Kiên nói thêm.

Các trạm thu phí BOT đang bị phản đối bằng nhiều hình thức.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Kiên đề cập đến phản ứng của người dân tại các trạm thu phí BOT. Ông Kiên đề nghị báo chí không nói từ “người dân phản đối BOT” mà nên nói rằng “DN vận tải”, “tài xế lái xe”.

“Báo chí đừng nói từ người dân. Phải nói chính xác là DN vận tải phản đối DN BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không phải người dân ở vùng đặt trạm ở Cai Lậy phản đối bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho xe máy”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.

“Xe máy của ta 7 triệu xe, người lao động, nghèo nhất là dùng xe máy thì ta đã miễn, không ảnh hưởng gì đến những người đó”, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH giải thích.

Trước việc liên tục xảy ra tình trạng tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT khiến nhiều tuyến đường bị tắc, ông Kiên cho rằng việc tiêu tiền lẻ không vi phạm pháp luật, nhưng “tiêu tiền lẻ như một người có văn hoá trong xã hội có pháp quyền là không được ảnh hưởng đến quyền công dân của người khác”.

“Anh trả tiền lẻ thỏa mãn được cái bức xúc của anh nhưng kéo dài thời gian chờ đợi của lái xe đi sau. Anh đi thành hội, thành đoàn là hoạt động có tổ chức để chống đối, cần có chừng mực”, ông Kiên lưu ý.

Liên tục xuất hiện việc trả tiền lẻ qua trạm thu phí gây tắc nghẽn.

Thu phí không dừng, tránh biểu tình bằng tiền lẻ

Ông Đoàn Huy Vinh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành 2 (Kiểm toán Nhà nước) cho hay, cơ quan này đã kiếm toán 60 dự án BOT và thấy một số bất cập về cơ chế chính sách.

Đơn cử như quy định thu phí, đa phần dự án BOT thu phí hở, tạo ra sự không công bằng. Một người dân đi đoạn ngắn trả phí ngang đi đoạn đường dài. Ngoài ra, một số trạm thu phí BOT được đầu tư trước năm 2009 đặt ngoài phạm vi dự án.

Ở góc độ của một nhà đầu tư BOT, ông Nguyễn Văn Bắc, chủ tịch HĐQT Tổng giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, cho rằng, việc thu phí hiện nay còn thô sơ, gây bức xúc cho dân, đi một đoạn lại dừng lại trả tiền, đếm tiền.

“Cả chục năm nay, nước ngoài cứ chạy băng băng không cần dừng, tạo điều kiện rất nhiều cho nhà đầu tư. Cho nên cần phải đẩy mạnh thu phí không dừng cho tốt”, ông Bắc nói và cho rằng, “thu phí kín thì làm sao biểu tình bằng trả tiền lẻ được nữa vì làm gì có trạm thu phí".

Trước việc Sở GTVT Quảng Trị đề nghị thu phí theo kilômét sử dụng, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Các trạm thu phí đang sử dụng 2 loại thu phí là thu phí hở và kín. Thu phí kín là không dừng, tự động, áp dụng trên các tuyến cao tốc rất chính xác. Người dân DN đi ki lô mét nào thì trả ki lô mét đó.

“Trên cao tốc quản lý được xe ra vào vì không có nhiều đường tránh, đường mở. Nhưng trên toàn tuyến lại có nhiều đường kết nối ra Quốc lộ 1 thì khó biết được số ki lô mét người dân đi, nên phải chấp nhận cách thu phí hở theo quy định chung.

“Thu phí hở thực tế mà nói thì tương đối hạn chế. Ví dụ như có nhiều đường kết nối với Quốc lộ 1 nên việc thu phí tại đây vẫn phải thực hiện theo quy định chung, chưa thực sự công bằng cho người dân. Theo đó, đối với đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT đang xem xét. Nhưng nếu làm theo đề xuất này thì sẽ không công bằng với 68 trạm còn lại”, ông Nguyễn Nhật nói.

Lương Bằng