Từ Đông Nam Á đến trời Âu, hàng loạt dự án tỉ đô của Trung Quốc bị các nước lo ngại chất lượng thi công.

Đầu tháng 8-2016, chính phủ của tân Thủ tướng Anh - bà Theresa May bất ngờ tạm dừng phê chuẩn dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. dự án từng được ông Tập Cận Bình xúc tiến cực lực trong chuyến viếng thăm London tháng 10-2015 đang đứng trước một tương lai mơ hồ. Không chỉ tại Anh, những dự án tỉ đô của Trung Quốc (TQ) tại nhiều nước từ Á đến Âu đều đang gặp trắc trở. Điểm chung trong quyết định trì hoãn của các nước là mối lo ngại về chất lượng thi công của nhà đầu tư TQ.

Siêu dự án chết yểu?

Siêu dự án nhà máy điện hạt nhân nói trên, với tổng vốn đầu tư 25 tỉ USD do TQ phối hợp với Pháp, từng được xem là cột mốc đánh dấu “kỷ nguyên vàng” giữa hai nước. Phía TQ nắm giữ 33,5% cổ phần của dự án này thông qua một liên minh các nhà thầu, dẫn đầu bởi Tập đoàn Điện hạt nhân TQ (CGN). Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện tại Anh.

Bắc Kinh đang rất mong muốn xuất khẩu công nghệ hạt nhân của mình đến các nước đã phát triển. Siêu dự án Hinkley được xem là cột mốc đầu tiên của hướng phát triển đầy tham vọng này. Dự án đã được chính thức ký kết bởi cựu Thủ tướng Anh David Cameron và ông Tập Cận Bình trong chuyến công du đến London hồi tháng 10 năm ngoái. Thỏa thuận cũng đề nghị hãng công nghệ hạt nhân Hualong One của TQ được cân nhắc nhận thầu một dự án khác ở vùng Đông Nam nước Anh.

Tuy nhiên, đầu tháng 8-2016, Bộ trưởng Năng lượng Anh Greg Clark thông báo tạm hoãn phê chuẩn siêu dự án tỉ đô này. Theo vị bộ trưởng, chính phủ Anh sẽ “xem xét kỹ lưỡng mọi bộ phận cấu tạo” của nhà máy điện hạt nhân Hinkley. Các nhà đầu tư sẽ phải đợi đến mùa thu để biết liệu bà Theresa May có đồng ý tiếp tục dự án hay không. Phát ngôn viên Cơ quan Chiến lược thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Anh cũng cho biết nội các mới của nước Anh sẽ xem xét lại toàn bộ chi tiết của dự án này.

Trước khi chính quyền Anh ra tuyên bố, hội đồng quản trị Tập đoàn Năng lượng Pháp EDF cũng đã bỏ phiếu thông qua dự án với kết quả vô cùng sít sao. EDF chính là đơn vị phối hợp cùng phía TQ đầu tư cho dự án Hinkley. Điều này cho thấy ngay cả phía Pháp cũng cảm thấy lo ngại trước giá thành xây dựng nhà máy điện quá cao. Công nghệ mà phía TQ đưa ra khiến giá điện cũng trở nên tốn kém hơn kỳ vọng ban đầu giữa chính phủ Anh và EDF.

Giá điện giảm trong 12 tháng qua tại châu Âu đã khiến các điều khoản của dự án Hinkley trở nên đắt đỏ. Đã có nhiều đề nghị chính phủ Anh xem xét lựa chọn các dự án khác thay thế hoặc cần thiết kế lại dự án Hinkley. Tờ Thời báo Hoa Nam Buổi Sáng cho rằng siêu dự án tỉ đô của TQ hoàn toàn có khả năng chết yểu.

{keywords}

Hình ảnh thiết kế 3D của dự án điện hạt nhân Hinkley Point C được Tập đoàn EDF công bố. Ảnh: EDF


{keywords}

Các toa tàu cao tốc bị lỗi được đưa đến cảng Jurong, khu công nghiệp phía tây Singapore. Ảnh: FACTWIRE


{keywords}

Phía Mỹ lo ngại những tàu cao tốc sản xuất tại Trung Quốc sẽ không đảm bảo an toàn. Ảnh: AP

Lo ngại an ninh quốc gia

Không chỉ riêng dự án đầy tham vọng của TQ tại Anh đột ngột đối mặt với một tương lai bấp bênh. Hàng loạt dự án bạc tỉ của các nhà thầu và nhà đầu tư TQ tại nhiều nước trên thế giới cũng đang trong cảnh lận đận.

Ngày 12-8, tất cả cơ quan an ninh quốc gia Úc đã phản đối việc để cho công ty TQ thâu tóm công ty lưới điện Ausgrid tại New South Wales. Trước đó, Bộ Tài chính bang New South Wales đã thông báo thương vụ bán lại 50,4% cổ phần Ausgrid chỉ còn hai nhà đầu tư cạnh tranh nhau là Tập đoàn Lưới điện quốc gia TQ (SGC) và Tập đoàn Hạ tầng Cheung Kong của Hong Kong.

Cả hai nhà đầu tư đều đặt điều kiện nắm được quyền kiểm soát hoạt động của Ausgrid thì mới chấp nhận chi hơn 10 tỉ USD cho thương vụ thâu tóm. Tuy nhiên, từ Bộ Quốc phòng Úc đến Cơ quan An ninh tình báo Úc (AISO) đều yêu cầu ngăn chặn thương vụ này “vì lý do an ninh quốc gia”. Công ty lưới điện Ausgrid hiện đang cung cấp năng lượng cho hơn 1,68 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp từ TP Sydney, bờ biển miền Trung Úc đến vùng Hunter thuộc bang New South Wales. Mạng lưới điện của công ty này trải rộng 22.275 km2 với hơn 200 trạm phát điện.

Những rủi ro khó chấp nhận

Ngoài lĩnh vực điện hạt nhân, các dự án đường sắt cao tốc của TQ cũng liên tiếp trục trặc. Công ty XpressWest (Mỹ) ngày 8-6 đã thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles với Công ty Đường sắt TQ (CRI).

Thông báo được đưa ra chưa đầy chín tháng sau khi hai bên công bố thỏa thuận. Theo tờ Los Angeles Times, XpressWest nhận thấy việc hợp tác với CRI sẽ khó đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ. Phía Mỹ cũng lý giải CRI hiện đang gặp khó khăn trong việc xin phép tiến hành dự án đúng theo các điều kiện của luật pháp Mỹ. Phía Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm các phương án và đối tác tiềm năng khác. Theo Reuters, Mỹ yêu cầu các tàu cao tốc cần phải được chế tạo trên đất Mỹ để được giám sát về độ an toàn.

Những lo lắng về chất lượng tàu cao tốc TQ không phải là vô căn cứ. Năm 2011, vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc gần TP Ôn Châu đã khiến hơn 40 người thiệt mạng.

Tháng 7-2016, Singapore cũng đã gửi trả cho nhà thầu TQ 26 tàu cao tốc bị hỏng hóc cấu trúc sau khi hoạt động chưa đầy năm năm, tờ Straits Times cho biết. Cơ quan quản lý của Singapore cho biết 26/35 tàu được nhà sản xuất TQ giao vào năm 2013 đều bị nứt gãy đoạn nối giữa thân tàu và giá chuyển hướng của tàu. Toàn bộ 26 tàu cao tốc bị lỗi dự kiến phải đến năm 2023 mới hoàn tất sửa chữa. Trang tin FactWire cho biết cửa kính nhiều toa tàu bị vỡ hết lần này đến lần khác. Vào năm 2011, pin của một con tàu bị phát nổ khi đang được sửa chữa. Theo FactWire, loại pin này được sản xuất bởi nhà thầu TQ. Công ty Đường sắt phía Nam TQ (CSR), đơn vị thầu dự án đường cao tốc của Singapore, đã phải thay thế toàn bộ các pin bằng loại được sản xuất ở Đức. Những bộ phận này giúp cung cấp năng lượng cho hệ thống thông khí và đèn của tàu trong trường hợp tàu bị dừng hoạt động đột ngột. Cũng theo FactWire, các vết nứt còn xuất hiện ở sàn tàu, nơi giữ các hộp thiết bị và dây điện của tàu. Tất cả lỗi nứt gãy đều có nguy cơ gây nên tai nạn nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhiều dự án cơ sở hạ tầng nước ngoài mà TQ sẵn sàng rót hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD cũng bị hoãn hoặc bị chấm dứt thỏa thuận.

Lo ngại Trung Quốc “phản đòn”

Việc các đối tác “xoay 180 độ”, đổi ý ngưng hợp tác đương nhiên khiến TQ vô cùng bực bội. Nếu chính phủ của bà Theresa May “phủi tay” xé bỏ dự án điện hạt nhân Hinkley Point, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ rút các khoản đầu tư trị giá 100 tỉ bảng Anh khỏi đảo quốc này.

Sau khi thương vụ thâu tóm Ausgrid bị ngăn cản, tờ Tân Hoa xã đã gọi những suy nghĩ của chính phủ Úc là “vô lý” và có thể tạo nên tâm lý “sợ TQ”. Tờ báo cũng cho rằng Anh và Úc quá “ngớ ngẩn” khi cho rằng “các công ty TQ sẽ vứt đi uy tín quốc tế” và đe dọa nguồn điện của các nước này.

Trước đó, Sri Lanka cũng lâm cảnh khốn đốn khi “cả gan” ngưng dự án bất động sản 1,5 tỉ USD của đối tác TQ tại TP cảng Colombo. Doanh nghiệp TQ đã kiện ngược chính phủ làm ngưng trệ dự án xây dựng TP cảng Colombo. Đối tác TQ chỉ bãi kiện nếu được cấp thêm đất, ra yêu sách sở hữu vĩnh viễn 20 ha ở vùng cảng Colombo.


(Theo PL TP.HCM)