Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có lẽ là điểm du lịch có một không hai vì nơi đây từng suýt bị xóa tên trên bản đồ hành chính, làng còn níu chân du khách bởi đội ngũ hướng dẫn viên ngấp nghé tuổi lục tuần, thất tuần.

Những lão nông tri điền nói tiếng Anh, dẫn đoàn đi thăm thú, phục vụ ăn uống,... cuốn hút du khách thập phương. Họ khiến ngôi làng nơi vùng đất sạt lở này đổi thay, nhưng vẫn đau đáu nỗi lo khi không giữ được những bước chân người trẻ ở lại để kế thừa và phát triển ngôi làng.

Triêm Tây bây giờ đã hết cách trở đò giang. Từ phố cổ Hội An, qua cầu Cẩm Kim gặp ngay con đường men theo lạch Bến Quế dẫn vào thôn. Một xứ sở du lịch đơn sơ hiện ra với nhà ngói, đường tên Chè Tàu, Me Xanh, bến sông quê dưới hàng tre nghiêng mình tỏa bóng.

{keywords}

Hướng dẫn viên bà Lê Thị Than, 62 tuổi (bìa trái) giới thiệu cảnh quan Triêm Tây cho du khách.

Hướng dẫn viên... cụ

Đoàn khách nước ngoài vừa tới ngõ, ông Nguyễn Yên (67 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Triêm Tây) vuốt lại bộ quần áo gọn gàng rồi chạy ra đón. Bằng phong thái rất nhà quê, trên đường tới thăm nhà cổ Ông Nghè Phụng, ông lật đật chạy theo nhóm khách, ai hỏi chỗ nào rôm rả trả lời chỗ ấy. Thỉnh thoảng còn bồi thêm vài từ tiếng Anh làm mấy ông bà “Tây” cười phá lên. Suốt buổi hướng dẫn, nụ cười chất phác hồn hậu luôn thường trực trên môi hướng dẫn viên U60 này.

Men theo con đường nhỏ xanh mướt chè tàu, rẽ vào lối treo biển gỗ “Tạ Thủy Sông Quê”, bà Lê Thị Than (62 tuổi) với dáng người nhỏ thó, da đen sạm đón chào bằng chất giọng rặt Quảng Nam: “Chu choa, đi đường xa mệt kinh hỉ, vô đây múc ca nước rửa mặt cho đã”. Biết khách lần đầu tới, bà hăng hái giới thiệu 12 địa điểm đặc trưng về văn hóa, lịch sử của làng như nhà cổ Phó Ba, Miếu Thành Hoàng Làng, chùa Phú Thọ, giếng cổ ông Xã Chức... Dứt lời, bà dẫn đoàn đi thăm không gian thành bình Triêm Tây, trải nghiệm nghề dệt chiếu, ghé vườn rau hữu cơ.

“Ở miết chả thấy chi lạ, nhưng du khách thì ưng bụng lắm, nhất là khách Tây, họ thử làm cái ni cái tê. Họ cũng chẳng ái ngại vì mấy bà già nhăn nheo như tụi tui làm hướng dẫn viên, còn hỏi chuyện rất nhiều rồi luôn miệng: good, good. Họ nói không chi thú vị bằng nghe người làng kể chuyện làng”, bà Than cười hào sảng.

Khi một tốp thanh niên xuống chòi ngắm cảnh và ăn uống, bà Than vội vội vàng vàng vào bê nước, rồi vớ lấy thực đơn, ghi món chuyền xuống nhà bếp, bếp xong bà bưng lên tận bàn. “Từ giới thiệu, dẫn khách rồi đến chạy bàn, dọn dẹp, tụi tui bao sân hết”, bà vừa nói vừa quệt mồ hôi đầm đìa trên trán.

{keywords}

Từ ngôi làng lở, Triêm Tây hóa thành điểm du lịch nhà quê hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Từng con đường trong thôn được đặt tên, cắm biển chỉ dẫn bằng song ngữ Anh – Việt.

Trong căn nhà nhỏ nằm cuối đường bê tông, bà Nguyễn Thị Biên (64 tuổi) cùng người em họ miệt mài ngồi dệt chiếu. Như quán tính, nghe tiếng người, bà? bỏ lửng cây đan xuống nền chạy ra ngoài sân. Những câu chuyện về nghề chiếu từ xa xưa, công đoạn dệt hao công tốn sức được bà tái hiện lại một cách thật bình dị. Một vài du khách còn được bà mời trải nghiệm đan chiếu trong sự bỡ ngỡ lẫn thích thú. Vừa xong, bà vào tấm phản trong nhà ôm ra bó chiếu đủ loại to nhỏ, đủ màu sắc, hình hài ra giới thiệu sản phẩm.

Chị Lee Ji Eun (27 tuổi, du khách Hàn Quốc), nói: “Trước khi tới đây, tôi nghĩ mình sẽ được dẫn vào những nhà trưng bày, quầy lưu niệm để xem sản phẩm thủ công của làng. Không ngờ được nghe người dân kể chuyện, chứng kiến và cùng họ làm chiếu. Ấn tượng nhất vẫn là những hướng dẫn viên cao tuổi, họ hết sức thân thiện và nhiệt tình. Thậm chí còn nhanh nhẹn hơn những người trẻ nữa. Mỗi câu chuyện họ kể ra cho tôi hiểu hơn về văn hóa của xứ sở này”.

Bà Than thủ thỉ rằng, hồi đầu mới đón khách, lần nào bà cũng “dị” (ngại) bởi hai phần đời chỉ biết còng lưng đan chiếu, nói năng còn chưa trôi huống hồ làm hướng dẫn viên. Vậy mà làm miết thành quen, bây giờ đoàn khách ít nhiều, già trẻ, hay bất kể nước nào bà cũng đón tiếp ngon ơ.

Những lão nông tay ngang như bà bắt đầu làm du lịch từ năm 2014, sau khi một kiến trúc sư Việt kiều Pháp về làng làm kè sinh thái chống sạt lở cứu lấy Triêm Tây trước nguy cơ bị con nước nuốt chửng, sắp phải xóa tên trên bản đồ hành chính. Tiếp đó, tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp đào tạo cho người dân Triêm Tây những kỹ năng cần thiết để phát triển bền vững du lịch cộng đồng. Bà con được học kinh tế, học tiếng Anh, học cả “nghiệp vụ” du lịch.

Khi hợp tác xã du lịch cộng đồng ra đời, 25 hộ dân đã tham gia để làm du lịch bài bản hơn, đặc biệt các xã viên đều đã trên dưới 60 tuổi. Hợp tác xã chia thành các tổ ẩm thực, tổ dân ca, tổ chèo thuyền... Những cụ ông, cụ bà mái đầu muối nhiều hơn tiêu tự tổ chức tour, tự hướng dẫn khách tham quan, tự nấu nướng, phục vụ ăn uống và các nhu cầu khác của khách... Cách làm du lịch cây nhà lá vườn này bỗng dưng trở thành “đặc sản” của Triêm Tây.

{keywords}

Một đoàn khách xem nghề đan chiếu ở Triêm Tây.

Thấp thỏm kế thừa

Nhờ du lịch, vùng đất lở Triêm Tây bao đời âu sầu mưa lũ bỗng hóa rộn ràng. Đường làng ngõ xóm được đổ bê tông, được đặt tên, quán xá mọc lên nhan nhản. Sinh kế của bà con không còn trông chờ nơi mấy sào ruộng, tấm chiếu.

“Mới mấy năm trước thôi, tui dệt chiếu từ sáng tới tắt mặt trời kiếm được 30.000đ không hơn không kém. Nay thì khách Tây khách Tàu về, họ ưng chiếu xịn chiếu đẹp, mình đan thêm mấy loại đắt tiền, bán tới tiền trăm. Có đợt họ đặt hàng loạt gửi sang Hàn Quốc, rứa là chiếu làng được xuất khẩu, sướng rơn người”, bà Than kể chuyện với khuôn mặt sáng bừng lên.

Có tour, bà con chia nhau việc tiếp đón, hướng dẫn, nấu nướng, phục vụ, và chia thu nhập hàng ngày. Những người nông dân không ngờ tới gần đoạn cuối con dốc cuộc đời lại rẽ ngang làm du lịch, hút được đồng tiền nơi khác đổ về đây.

Nhưng niềm vui ấy chỉ đến với những mái đầu bạc, ám ảnh về ngôi làng “lở” và cuộc sống không có lối ra đã không giữ được chân những mái đầu xanh ở lại, cũng không kéo được thanh niên trai tráng nơi khác tìm về. Lớp trẻ trong làng lớn lên toan đi tìm vùng đất mới lập nghiệp. Tới Triêm Tây, hiếm thấy bóng dáng trai tráng chung sức cùng các lão nông làm du lịch, ngoại trừ chị Đỗ Thị Thư, năm nay đã…40 tuổi.

Bà Than thở dài: “Mỗi đợt hè, nhất là ngày lễ, khách đổ về ngùn ngụt, cả hợp tác xã vắt chân lên chạy, gắng tới mấy cũng thiếu chỗ này sai chỗ kia. Dù khách thông cảm vì tụi tui già rồi nhưng vẫn áy náy và cầu toàn phục vụ họ hoàn thiện hơn. Chỉ ước có thêm sức thanh niên, tụi nó chạy nhanh, sức dai, nói tiếng Anh giỏi và cũng mở mang hơn. Mọi thứ đều hơn mình cả”. Bà nhớ lại những lần vừa tiếp dẫn khách vừa quán xuyến chuyện ăn uống, đôi chân gầy rộc tối về như sắp rụng ra, vậy mà chỉ “giải lao” được một đêm, sáng mai lại lao vào việc. Hôm trái gió trở trời, cả người nhũn đi nhưng vẫn gượng, vì bỏ thì lấy ai làm.

{keywords}

Một đoàn du khách nước ngoài đi trên lạch Bến Quế thăm cảnh sắc thanh bình ở Triêm Tây.

Chừng vài năm nữa, đội hướng dẫn viên U60, 70 sẽ có người “nghỉ hưu” vì già yếu. Ông Yên thấp thỏm lo, bởi thế hệ của ông đã bỏ công gầy dựng nên một Triêm Tây mới mẻ với khởi đầu đầy ấn tượng, nếu không tìm được đội ngũ kế thừa thì nỗ lực bao năm cũng sẽ như những thửa đất của làng đổ ụp xuống sông trước đó. Cả hợp tác xã đã động viên con cháu trong làng quay về kế nghiệp, tìm đường phát triển Triêm Tây. Song ngày ấy vẫn chưa được ai hứa hẹn. Trải lòng với chúng tôi, chị Đỗ Thị Thư nói rằng chị thấy được sự đổi thay ở Triêm Tây, nhưng để lớp trẻ gắn bó thì không chỉ cần có vậy.

“Họ sẽ không trở về đầu quân làm du lịch nếu nhìn quanh cũng chỉ có chừng đấy điểm tham quan, trải nghiệm. Họ hoài nghi cách làm của lão niên chỉ có thể hấp dẫn du khách trong vài năm đầu. Nếu không có nguồn đầu tư, hỗ trợ để Triêm Tây chuyển mình thì những năm về sau còn có gì để khách tới? Lớp trẻ luôn âu lo như vậy mới không chịu về”, chị nói. Chị Thư cũng mong muốn Triêm Tây sẽ được nhiều nguồn tiếp sức để làm du lịch chuyên nghiệp hơn, dù là du lịch dân dã. Trước mắt là chăm chút mọi cảnh quan trong làng, đường sá phải đẹp đẽ, các điểm tham quan luôn sạch sẽ và có người túc trực, đồng thời mở thêm các loại hình thư giãn, giải trí dân dã…

Ông Lê Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Điện Phương nhìn nhận thực tế hầu hết xã viên HTX Triêm Tây đã lớn tuổi, họ nhiệt huyết và trách nhiệm cao nhưng xét cho cùng vẫn là những người nông dân tập làm du lịch. “Triêm Tây rất cần luồng sinh khí mới từ những người trẻ để phát triển thêm. Trước mắt, xã sẽ tìm cách kêu gọi nhân lực trẻ có nghiệp vụ về du lịch để hỗ trợ hoạt động của HTX, khi đã ổn định, hy vọng lớp thanh niên sẽ coi đây là mảnh đất tiềm năng để dừng chân chung sức phát triển Triêm Tây”, ông cho hay.

“Giờ tui nghỉ thì hợp tác xã thiếu đi một người, tui ngưng dệt chiếu chắc chẳng tìm ra ai ngồi bên khung dệt này để khách ghé thăm. Từ má, đến chị rồi đến tui đều gắn với cái khung này, còn con cháu đều bỏ xứ đi tìm kế sinh nhai nơi khác. Tui chỉ mong khi chúng tôi mỏi mệt, lớp trẻ sẽ thế mình gồng gánh Triêm Tây thành điểm du lịch đáng đến, đừng để nó bị lãng quên”, bà Nguyễn Thị Biên, mong mỏi.

(Theo Tiền Phong)