Cho đến hôm nay, câu chuyện về siêu thị Con Cưng bị bầm dập chưa kịp khép lại, “nỗi oan Con Cưng” chưa kịp nguôi ngoai, thì lại thêm một thương hiệu khác rơi vào khủng hoảng vì những thông tin vội vàng gây hoang mang dư luận là hệ thống cơm tấm Kiều Giang - thương hiệu cơm tấm đã nổi danh Sài Gòn suốt cả chục năm qua.

Cơm tấm Kiều Giang bị Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra vào vài ngày trước. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp đi Mỹ, tiếp đoàn kiểm tra là một nhân viên kế toán mới về làm việc. Vì thế, nhân viên này đã không thể ngay lập tức cung cấp các hoá đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu mà Kiều Giang sử dụng. Lập tức, báo chí được cung cấp thông tin đồng loạt theo định hướng cơm tấm Kiều Giang sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Không những thế, đoàn kiểm tra ghi nhận có hơn một tấn hỗn hợp gia vị đã được trộn sẵn. Bất chấp trong ngành ẩm thực, mỗi nhà hàng, quán ăn đều có những bí quyết riêng, chưa kể những hỗn hợp gia vị vốn rất bình thường ấy, đã được giải thích là để ướp thịt, tin được loan ra vẫn là "chất lạ". Thậm chí, còn có lời khẳng định sẽ đem tiêu huỷ toàn bộ số "chất lạ" ấy.

"Chúng tôi bị oan", ông Nguyễn Trung Phong, giám đốc Công ty Kiều Giang tức tốc từ Mỹ về nước, thảng thốt kêu oan và không hiểu lý do vì sao doanh nghiệp của mình bị rơi vào cuộc khủng hoảng này.

Kết luận về cuộc kiểm tra còn ở phía trước. Nhưng rõ ràng, những cáo buộc về việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hay tuyên bố tiêu huỷ "chất lạ" ngay tại thời điểm kiểm tra là vội vàng và doanh nghiệp đã chứng minh được mình bị oan thực sự. Hỗn hợp gia vị ấy gồm đường, muối, hạt nêm được trộn sẵn để ướp thịt, không có bất cứ quy định nào cấm cản doanh nghiệp làm điều này.

Thế nhưng, những lo lắng của chủ hệ thống cơm tấm Kiều Giang không phải không có cơ sở, dù cho đến thời điểm này họ đã xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc toàn bộ nguyên liệu sử dụng đều hợp pháp, có hoá đơn chứng từ đầy đủ. Bởi vì, tin xấu thường lan nhanh với tốc độ chóng mặt và đeo bám doanh nghiệp dai dẳng, nhưng khi được minh oan thì chỉ thoảng qua. Khách hàng thường trong trạng thái ngờ vực, lo lắng, thậm chí chỉ tiếp nhận được tin xấu mà không hề biết rằng doanh nghiệp được minh oan. Trên thực tế, cơm tấm Kiều Giang đã lập tức vắng khách ngay sau khi đoàn kiểm tra công bố những thông tin bất lợi cho họ trên truyền thông.

{keywords}
 

Điều này diễn ra tương tự như hệ thống gần 300 siêu thị Con Cưng.

Sau gần một tháng ròng rã ra quân kiểm tra rầm rộ của lực lượng quản lý thị trường, cuối cùng Bộ Công thương đã có kết luận về những vấn đề liên quan đến hàng hoá bày bán ở hệ thống siêu thị của Công ty cổ phần Con Cưng vài ngày trước. Theo thông báo được công khai trên website của Bộ Công thương, Con Cưng đã được minh oan, siêu thị này không bán hàng giả, hàng nhập lậu.

Những tổn thất mà Công ty cổ phần Con Cưng phải gánh chịu lớn tới mức không thể nào đo đếm nổi. Đó không chỉ là con số 20% lượng khách hàng bị sụt giảm, nói như ông Lưu Anh Tiến, tổng giám đốc Công ty cổ phần Con Cưng, điều khiến ông thực sự đau đớn không chỉ là tổn thất tiền bạc, mà là cả danh dự. 2.000 người lao động tại doanh nghiệp, người thân của họ, cha mẹ họ, vợ chồng con cái đều bàng hoàng, hoảng sợ và lo lắng, thậm chí không dám đối diện với xung quanh vì những cáo buộc từ đâu bỗng dưng chụp lên đầu mình.

Dù những cáo buộc có thể giết chết niềm tin của khách hàng vào một doanh nghiệp non trẻ đang trên đà phát triển ấy, đến giờ này đã được làm rõ không có, thì danh dự, tự trọng, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đã bị tổn thương và tổn thất quá nhiều.

Những vụ việc đang diễn ra cho thấy, quy trình kiểm tra và quản trị thông tin liên quan đến đối tượng kiểm tra khi doanh nghiệp chưa giải trình, khi chưa có kết quả cuối cùng thực sự đang có vấn đề nghiêm trọng. Nếu tiếp tục thực hiện như vừa qua ở siêu thị Con Cưng và cơm tấm Kiều Giang thì sẽ còn xuất hiện rất nhiều nạn nhân như thế. Và những nỗi oan như của Con Cưng sẽ thành mối lo cho hàng vạn doanh nghiệp và doanh nhân khác.

Điều đáng lo lắng hơn là trước đây đã có những "án oan" tương tự. Giới kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa quên một nạn nhân trong vụ xúc xích Vietfoods khoảng hai năm trước. Từ một thương hiệu xúc xích được cho là xếp thứ 4 về mức độ phổ cập với người tiêu dùng, chỉ trong vòng một tháng, sau khi lực lượng quản lý thị trường TP.HCM ập vào kiểm tra, giữ hàng và tuyên bố xúc xích Vietfoods có chất gây ung thư, doanh nghiệp đã bị thiệt hại tới 100 tỉ đồng. Và đến giờ, thương hiệu Vietfoods đã hoàn toàn biến mất trên thị trường, dù họ được Bộ Y tế minh oan là không sử dụng chất gây ung thư như cáo buộc của quản lý thị trường.

Kể ra những câu chuyện này để thấy, thực tế đã có quá nhiều thương hiệu bị tổn thương, thậm chí bị vùi dập, đã có quá nhiều doanh nghiệp bị tổn thất, điêu đứng, sống dở chết dở chỉ vì những hành vi sai trái của một bộ phận cán bộ công chức. Những phát ngôn vội vàng, những lời nói có thể làm điêu đứng doanh nghiệp, có thể khiến hàng ngàn con người bị ảnh hưởng. Tâm thế của người công chức khi kiểm tra doanh nghiệp, có vẻ như không phải tâm thế của một người kiểm tra để tìm ra những sai sót, góp phần giúp doanh nghiệp hoàn thiện quản trị, vận hành hệ thống kinh doanh chuẩn mực hơn, mà thực tế lại khiến doanh nghiệp khiếp sợ, có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế lao đao, khủng hoảng.

Rõ ràng, tất cả những vụ việc như xúc xích Vietfoods, siêu thị Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang... đều cho thấy doanh nghiệp có những sai sót nhưng rất nhỏ nhưng lại bị đẩy lên thành nghiêm trọng. Tổn thất không chỉ là những doanh nghiệp ấy, mà lớn hơn rất nhiều, nặng nề hơn rất nhiều, là niềm tin của người người tiêu dùng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đang bị bào mòn. Đã có rất nhiều nỗ lực, kiến tạo để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN nhưng nếu còn những sự cố như vừa qua, còn tình trạng bộ máy vận hành ở các địa phương và thái độ của cán bộ công chức vẫn coi nhẹ sinh mệnh của doanh nghiệp, thì những nỗ lực ấy đều đổ xuống sông xuống bể.

Và nếu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh không kịp thời chỉ đạo xử lý vụ việc công tâm, khách quan, chuẩn mực, thì có lẽ giờ này chưa chắc Con Cưng đã được minh oan.

Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng rõ ràng những nỗ lực ấy sẽ ra sao nếu như bộ máy thừa hành không chuẩn mực, quy trình lỏng lẻo, thái độ đối xử với doanh nghiệp vẫn chưa có sự trân trọng và thấu hiểu đúng mực.

Câu chuyện về những "án oan" trên vẫn chưa khép lại. Còn đó những bài học về hành xử, thái độ, trách nhiệm, cái tâm của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh trong đời sống kinh tế, dù bài học ấy quá đắt giá. Còn đó những vấn đề liên quan đến quy trình kiểm tra và quản trị hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Xem xét lại quy trình ấy là cần thiết. Chỉnh đốn thái độ của cán bộ công chức, thậm chí ban hành bộ quy tắc ứng xử trong thanh kiểm tra thông qua các quy định dưới luật là vô cùng cần thiết. Có như thế mới là kiến tạo, mới là cải thiện môi trường kinh doanh. Có như thế mới thực sự là quốc gia khuyến khích khởi nghiệp. Có như thế mới tạo dựng được môi trường bền vững cho khối kinh tế tư nhân phát triển.

Tâm An