Những DN phát triển bền vững đều có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các DN chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
Phát triển bền vững (PTBV) là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thếPTBVcũng là xu thế tất yếu. Trong lộ trình hướng đến mục tiêu PTBV của mỗi quốc gia, phải kể đến vai trò quan trọng của các DN. Đối với các DN tại Việt Nam, PTBV sẽ mang lại cả cơ hội lẫn thách thức.
Thước đo giá trị DN
PTBV tạo ra cơ hội cho các DN hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ mới; cải tiến công nghệ; giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng và chất lượng sản phẩm. Để thành công trong chiến lược PTBV, các DN phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời tự xây dựng các kế hoạch về sử dụng tài nguyên tiết kiệm, thân thiện với môi trường, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm…
Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, thường gặp nhiều áp lực về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Những áp lực này gây ra không ít khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về PTBV.
Nằm trong nỗ lực thúc đẩy cộng đồng DN thực hiện PTBV, năm 2016, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 3 năm xây dựng với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ VCCI, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp hội viên của VCCI và các chuyên gia độc lập khác, đã công bố Bộ chỉ số DN bền vững (CSI), dành riêng cho các DN tại Việt Nam.
Là bộ chỉ số đầu tiên và duy nhất sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, CSI được xây dựng là thước đo giá trị của DN, dựa trên các tiêu chí về PTBV, trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội. CSI cũng là công cụ để ghi nhận các mục tiêu đo lường và quản lý các thay đổi nhằm làm cho hoạt động của DN được bền vững hơn. CSI bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội trong nước cũng như các thông lệ quốc tế. Sau khi công bố Bộ chỉ số, VCCI-VBCSD đã tiến hành đánh giá, công bố 100 DN bền vững Việt Nam từ năm 2016.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD, cho biết, kinh doanh bền vững giúp DN tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác. Những DN phát triển bền vững đều có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các DN chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà bỏ qua trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường.
Theo ông Vinh, sau 1 năm tổ chức thành công, Ban tổ chức đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là phản hồi từ DN tham gia, từ đó rà soát lại các tiêu chí của CSI, bỏ đi những nội dung còn phức tạp, không phù hợp và thêm vào đó những tiêu chí mới mà DN cần chú trọng. Năm 2017, các tiêu chí trong CSI đã được điều chỉnh nhằm đánh giá chính xác hơn mức độ PTBV của các DN. Cụ thể, bộ chỉ số đã được rút gọn từ 151 tiêu chí xuống còn 134 tiêu chí, ngắn gọn nhưng hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu khiến cho CSI có thể áp dụng với tất cả các loại hình DN ở Việt Nam.
Giúp DN tăng trưởng bền vững
Cũng theo ông Vinh, năm nay số lượng các DN tham gia xếp hạng PTBV đông đảo hơn hẳn so với năm trước, với gần 500 DN hoạt động trong các ngành nghề đa dạng thuộc hai lĩnh vực sản xuất và thương mại-dịch vụ-xây dựng cho thấy sức lan toả của chương trình này ngày càng sâu rộng. Điều quan trọng hơn là có rất nhiều DN dù không tham gia, nhưng đã tham khảo và tải Bộ chỉ số CSI về để “soi” vào DN của mình.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV. |
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hướng tới PTBV đòi hỏi phải đầu tư thêm, cùng những thay đổi trong văn hóa và thông lệ kinh doanh... là điều đang khiến nhiều DN không muốn. "Những đòi hỏi về PTBV thường gây tốn kém hơn, trong khi các DN lại muốn giảm giá thành và dịch vụ. Nhưng có bao giờ các DN nghĩ, PTBV sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế?", bà Lan đặt câu hỏi.
Theo Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn” của Ủy ban Kinh doanh và PTBV, một cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỉ đô trên toàn cầu hay 230 triệu việc làm mới tại khu vực Châu Á sẽ được tạo ra nếu 17 mục tiêu PTBV của Liên hiệp quốc được hoàn thành đến năm 2030.
Đại diện của một tập đoàn hóa mỹ phẩm quốc tế có mặt tại Việt Nam cho biết, họ có 18 nhãn hàng phát triển theo tiêu chí bền vững và nhóm này tăng trưởng nhanh hơn 50% so với nhóm còn lại, chiếm 60% tổng doanh số của tập đoàn. Một DN sản xuất bia tại Việt Nam cũng chia sẻ, khi thực hiện PTBV, chỉ riêng tập trung vào các lĩnh vực như tuyên truyền uống có trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu khí thải CO,... thì đã giảm 5,9% mức tiêu thụ nước và 7,1% mức tiêu thụ năng lượng so với trước. DN này cũng cho biết đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nấu bia bằng năng lượng sinh khối, phụ phẩm và phế liệu được tái chế hoặc tái sử dụng…
“Khi theo đuổi yếu tố bền vững, DN sẽ sử dụng các nguồn lực tốt hơn và hiệu quả hơn. Điều đó có nghĩa sẽ giúp hạ thấp được các chi phí, cũng như quản lý được rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp DN tăng trưởng bền vững hơn về mặt lâu dài”, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam, Đồng chủ tịch VBCSD chia sẻ.
Trần Thủy