Với 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản, trong năm 2016, Quảng Ninh đã tổ chức những phiên đấu giá quyền khai thác công khai tạo sân chơi minh bạch cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cấp quyền khai thác khoáng sản bằng đấu giá
Sáng ngày 21/11/2016, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát khu vực Pắc Puông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.
Ông Đặng Huy Hậu chủ trì buổi đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mỏ cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ Pắc Puông. Ảnh:Theo quangninh.gov.vn |
Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mỏ cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ Pắc Puông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, diện tích khu vực là 8,1 ha, trữ lượng dự kiến khoảng 24.000 m3, với giá khởi điểm là R = 4%.
Có 3 đơn vị tham gia Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Bài Thơ; Công ty TNHH MTV khai thác vật liệu và xây dựng Vĩnh Khánh; Công ty cổ phần xây dựng Nam Kỳ. Kết thúc phiên đấu giá, Công ty cổ phần xây dựng Nam Kỳ là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mỏ cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ Pắc Puông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu với mức giá là 4,8% (mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản).
Trước đó, Quảng Ninh đã tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản đợt I mỏ đá ryolit xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ).
Tăng hiệu quả khai thác tài nguyên
Trước đây các đơn vị, doanh nghiệp khi phát hiện có mỏ, điểm mỏ trong quy hoạch, chưa được cấp cho ai, dựa trên cơ sở giấy đăng ký kinh doanh phù hợp và những thông tin chứng minh năng lực là có thể đề nghị được thực hiện các trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản.
Với quy trình đó, thực tế thời gian qua đã có không ít đơn vị, doanh nghiệp đã sở hữu nhiều mỏ, điểm mỏ, trong khi có những đơn vị thực chất sản xuất lại thiếu vùng nguyên liệu khai thác. Cũng từ cơ chế này đã gây ra tình trạng nhiều mỏ được cấp nhưng không triển khai, do năng lực chủ mỏ hạn chế; chuyển nhượng ngầm hoặc khai thác chỉ để xuất bán nguyên liệu thô gây lãng phí tài nguyên...
Hơn nữa, cơ chế này cũng đã khiến hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra một cách ồ ạt, nhưng ngân sách nhà nước thu được không đáng kể, người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng.
Do vậy, Chính phủ đã có Nghị định 22, liên Bộ TN&MT và Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhằm tạo sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản. Với quy định mới này, các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm khai thác và cam kết công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường.
Quảng Ninh là 1 trong những tỉnh tiên phong thực hiện theo Nghị định 22 của Chính phủ.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh khẳng định: Đấu giá là hình thức mới trong hoạt động khai thác khoáng sản trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm công khai minh bạch thông tin và lựa chọn những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng đủ các điều kiện khai thác khoáng sản. Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại và giá trị sử dụng như: Than, đá vôi, đất sét, cát san lấp, cát thuỷ tinh… Với số lượng tài nguyên phong phú như vậy, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ là cơ sở quan trọng, tạo ra sân chơi minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, việc cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản, tăng thu ngân sách; loại bỏ những doanh nghiệp khai khoáng thiếu năng lực. Qua đó, tăng cường công tác quản lý hoạt động khai khoáng, tạo nguồn xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng cho các địa bàn diễn ra hoạt động khai khoáng.
D.Minh (tổng hợp)