Việc thành lập một ủy ban quản lý hàng loạt “ông lớn” nhà nước có thể khắc phục tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” hiện nay. Nhưng một ủy ban liệu có đủ khả năng quản lý hàng triệu tỷ đồng của 9 tập đoàn, 21 tổng công ty lớn hay không là điều đang có nhiều tranh luận. Và liệu có xuất hiện thêm một cơ quan 'siêu quyền lực'?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về việc thành lập một cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự kiến có 30 “ông lớn” nhà nước nằm dưới sự quản lý của ủy ban này, bao gồm 9 tập đoàn (trừ Tập đoàn Viettel) và 21 tổng công ty nhà nước.

Cụ thể, những cái tên đáng chú ý dự kiến được đưa vào là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn…

Điều đó có nghĩa, vai trò của các bộ trong hoạt động kinh doanh của các DN nhà nước kể trên sẽ chấm dứt.

{keywords} 

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM chia sẻ: Việc cần một Ủy ban như vậy tôi đã đề xuất cách đây 10 năm để không còn DN nhà nước nào nằm trong các bộ chủ quản. Điều này là để các bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không thực hiện chức năng kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh: Cơ quan này khi thành lập phải mang tính chuyên môn cao, không phải như cơ quan hành chính công quyền. Những người làm việc ở đó phải am tường chuyên môn. Cơ quan này phải đảm bảo nguồn lực nhà nước được sử dụng và quản lý hiệu quả. Đồng thời tham mưu cho Chính phủ để ra các quyết định đúng đắn.

Bày tỏ “trân trọng và hoan nghênh” việc thành lập Ủy ban này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh đánh giá: Đây là nỗ lực để cải cách, khắc phục tình trạng kém hiệu quả và có nhiều bê bối của các DN nhà nước như chúng ta đã biết, ngăn chặn tình trạng nhóm lợi ích và tư lợi mà chúng ta đã thấy.

Có đủ sức quản trăm tỷ USD?

Dù ủng hộ, nhưng TS Lê Đăng Doanh cũng đề cập đến các khó khăn Ủy ban này vấp phải. Đó là số DN nhà nước Ủy ban này phải quản lý là “quá lớn, quá phức tạp, quá đa dạng”. Cho nên khả năng quản lý vượt khỏi giới hạn mà lý thuyết quản lý và điều khiển học cho rằng đó là “giới hạn hiệu quả”.

“Tức là nếu muốn quản lý hiệu quả thì số đầu mối của anh tốt nhất khoảng 5-7, cùng lắm không quá 20. Với số lượng DN trực thuộc lên đến 30, việc quản lý cả hoạt động đầu tư, mua bán phức tạp thế này là điều quá độ”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

{keywords}
Phải quản một khối lượng tài sản quá lớn sẽ là khó khăn của Ủy ban mới. Ảnh: L.Bằng

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cũng chung nỗi băn khoăn liệu ủy ban này có đủ khả năng quản lý khối tài sản lên đến xấp xỉ 130 tỷ USD của các DN nhà nước.

Ông Tuấn cũng lo ngại sự ra đời của Ủy ban sẽ càng làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa bởi vì phải mất thêm một thời gian sau khi các DN đã chuyển về cho Ủy ban.

Vị chuyên gia Fulbright cũng đắn đo về các thành viên làm việc tại Ủy ban mới này. Nếu những người đó tiếp tục là đại diện từ các bộ, ngành thì chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi.

Nếu là những người mới thì hàng loạt câu hỏi được ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đưa ra. Liệu trong hệ thống nhà nước hiện nay, có đủ người có năng lực (bao gồm tư duy mới) và có dám trao cho những con người này đầy đủ thẩm quyền để quản lý hay không? Liệu những người này có dám tự chịu trách nhiệm hay không, hay rồi lại xin ý kiến lên cấp trên? Trong khi đó, nếu dùng người bên ngoài thì cơ chế hiện nay chưa cho phép.

“Chưa kể, trước mắt bộ máy quản lý nhà nước tiếp tục còn phình to ra, ngân sách tiếp tục gồng gánh cho đơn vị mới này trong khi Chính phủ lại muốn tinh giản bộ máy. Nếu chuyển một số người từ các bộ, ngành qua thì vẫn vậy, cái chất không thay đổi”, ông Tuấn phân tích.

Soi kỹ hơn quyền hạn của Ủy ban được quy định trong dự thảo Nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn thấy rằng quyền hạn của Ủy ban này chủ yếu là làm theo chủ trương, các quyền hạn được phân cấp rất hạn chế và dè chừng.

Chốt lại vấn đề, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý: “Sinh nó ra thì dễ, “nuôi” nó nên người mới khó”.

Còn TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Để tiến tới việc quản lý hiệu quả hơn, tốt nhất phải cổ phần hóa rất nhanh và giảm ngay số DNNN, giảm bớt vị thế độc quyền của các DNNN, để các DN đó phải kinh doanh theo thị trường. Lúc bấy giờ việc quản lý của nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề tuân thủ pháp luật và các vấn đề khác mà thôi.

Lương Bằng