Mua lại Trần Anh có thể là “món hời” đối với Thế giới Di động. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa chắc đã được hưởng lợi từ thương vụ thâu tóm này.

“Món hời”

Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động và Công ty CP Thế giới số Trần Anh đã chính thức xác nhận thương vụ mua bán giữa 2 doanh nghiệp. Theo đó, Thế giới Di động đã mua lại Trần Anh. Sau khi đạt được sự đồng thuận của cổ đông 2 bên, Trần Anh sẽ trở thành công ty con của Thế giới Di động.

Là DN hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đang sở hữu chuỗi 1.500 cửa hàng, thuộc 3 lĩnh vực gồm: điện thoại, điện máy và bách hóa. Còn Trần Anh đang sở hữu chuỗi 39 siêu thị điện máy, trải rộng khắp từ miền Bắc vào miền Trung.

{keywords}
Trần Anh "bán mình" cho Thế giới Di động

Các siêu thị Điện máy xanh, thuộc Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, hiện được phủ về tận cấp huyện, nhưng có diện tích nhỏ, sản phẩm trưng bày không nhiều, có ít sự lựa chọn cho khách hàng. Trong khi đó, những siêu thị điện máy của Trần Anh, tuy chỉ phủ về tới cấp tỉnh, nhưng lại có quy mô lớn, hàng bày mẫu phong phú, đa dạng hơn nhiều.

Nhận định từ giới kinh doanh cho thấy, việc thâu tóm Trần Anh sẽ giúp Thế giới Di động bù đắp được những khiếm khuyết của mình lĩnh vực trong kinh doanh bán lẻ điện máy. Không những thế, Trần Anh có số lượng siêu thị lớn, rộng khắp từ Đà Nẵng trở ra, đang là đối thủ cạnh tranh với chuỗi siêu thị Điện máy xanh. 

Vì vậy, thâu tóm xong Trần Anh, cũng có nghĩa là Thế giới Di động đã loại bỏ đối thủ cạnh tranh lớn với mình. Thương vụ này cũng hời hơn nhiều, so với vụ Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim vào cuối năm 2015, giá trị khoảng 200 triệu USD.

Người tiêu dùng bị bỏ ngoài “cuộc chơi”?

Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa chắc đã được hưởng lợi từ thương vụ thâu tóm này. Giám đốc một DN bán lẻ điện máy nhận định, khi hai DN lớn thâu tóm nhau, kết cục DN đã mạnh càng trở nên mạnh hơn và chiếm thị phần lớn hơn. Khi đó, "ông lớn" này sẽ có điều kiện quyết định “cuộc chơi”. Rất có thể giá bán lẻ các sản phẩm điện máy sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng trong thời gian tới.

{keywords}
Giá bán hàng điện máy thời gian tới sẽ tăng?

Điều đáng nói là các DN bán lẻ điện máy khác cũng đang mong chờ điều này xảy ra. Thời gian qua, thị trường điện máy cạnh tranh khốc liệt, các DN phải liên tiếp đại hạ giá, tung ra các chương trình “khuyến mãi khủng” để hút khách, giữ doanh số, khiến cho giá nhiều sản phẩm hạ thấp, kéo theo lợi nhuận xuống rất thấp.

Xem báo cáo tài chính quý I/2017 của Công ty CP Thế giới số Trần Anh có thể thấy điều này. Trong khi doanh thu đạt 1.049,4 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 2,6 tỷ đồng. Một số DN khác cũng tương tự và lợi nhuận thấp như vậy đã kéo dài nhiều năm liền, thậm chí là lỗ. Vì vậy, các DN bán lẻ điện máy đang mong muốn điều chỉnh giá bán, để có lợi nhuận cao hơn và đây chính là cơ hội.

Nếu điều này xảy ra, người tiêu dùng chắc sẽ không còn được hưởng những chương trình đạ hạ giá, khuyến mãi tưng bừng như trước nữa.

Phân tích còn đi xa hơn khi cho rằng, Trần Anh dù có 39 siêu thị, cũng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần điện máy tại thị trường miền Bắc và miền Trung, trong khi tham vọng của Thế giới Di động lớn hơn nhiều. Theo kế hoạch, công ty này sẽ phấn đấu đạt doanh số bán 10 tỷ USD trong tương lai. Muốn vậy cần phải có thị phần lớn hơn nữa và công cuộc thâu tóm sẽ còn tiếp tục. Thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có thêm các siêu thị điện máy được mua lại, biến Thế giới Di động thành “ông lớn” với thị phần chiếm đa số, đứng đầu cả nước.

Khi đã trở thành “ông lớn” sẽ có điều kiện quyết định “cuộc chơi” và áp đặt giá bán. Như vậy, mặt bằng giá bán lẻ điện máy sẽ còn tăng lên.

Thị trường điện máy, dự báo vẫn còn tiềm năng lớn, với hầu hết các mặt hàng và đạt mức tăng trưởng ổn định từ 10-15% trong nhiều năm nữa. Vì vậy, các DN khó chấp nhận một ngành kinh doanh, có doanh số bán rất cao mà lợi nhuận lại rất thấp.

Không những thế, sau thâu tóm, sẽ không còn nhiều DN bán lẻ điện máy trên thị trường nữa, người tiêu dùng có ít sự lựa chọn hơn. Đấy là chưa kể, với doanh số bán lớn, DN sẽ gây sức ép ngược trở lại phía các nhà cung cấp để được hưởng lợi nhiều hơn. Thậm chí, qua đó gây sức ép với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn để “điều khiển” thị trường theo ý mình. Như vậy, người tiêu dùng càng có lý do để lo ngại.

Trần Thủy