Mặc dù không còn thuế nhập khẩu nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt cùng hàng loạt các loại phí có thể thay đổi làm cản trở việc sở hữu 1 chiếc ô tô.
Thời điểm 1/1/2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm còn 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Nhiều người đang hi vọng khi mức thuế nhập khẩu giảm, giá bán xe sẽ có mức giảm tương ứng và việc sở hữu xe ô tô sẽ dễ dàng hơn so với hiện nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mong ước sở hữu ô tô giá rẻ của người Việt vẫn khó trở thành hiện thực, bởi giá bán xe nhập khẩu sau khi giảm thuế còn phụ thuộc vào thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như hàng loạt các loại chi phí khác.
Việc sở hữu 1 chiếc ô tô trong tương lai vẫn còn là việc rất khó. |
Theo đánh giá của PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0%, giá xe sẽ giảm, nhưng giảm nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chính sách sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết nhập khẩu xe, tương ứng với sức chịu đựng của nền kinh tế cũng như hạ tầng giao thông. Do đó, không phải cứ thuế nhập khẩu giảm là giá xe giảm tương đương ngay bằng với mức như thế.
“Giá xe có thể sẽ giảm nhưng mức độ giảm không ồ ạt như nhiều người kỳ vọng. Chúng ta không nên suy nghĩ rằng, hiện nay thuế đang là 30%, sau 2018 sẽ giảm ngay về 0% là có ngay xe giá rẻ. Thực tế xe có thể giảm nhưng sẽ theo “lộ trình”, không thể giảm “ồ ạt” bởi vì sẽ tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế cũng như hạ tầng giao thông”, ông Cường cho biết.
Công nghiệp ô tô trong nước cần làm gì?
Chia sẻ về thị trường ô tô cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Cường cho rằng, yếu tố cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trước nay vẫn nhờ vào mức thuế nhập khẩu.
Trong cả thời gian dài ngành này đã nhận được đủ các ưu đãi để tạo lợi thế giữa lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Do đó, trong thời gian tới khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ không còn yếu tố bảo hộ cho ngành sản xuất ô tô trong nước ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Cường đánh giá, trong gần 20 năm qua là thời kỳ có lợi thế nhất cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhưng thực tế đã không thành công, đến thời điểm này, khi mở cửa tự do cạnh tranh thì khả năng thành công sẽ là vô cùng khó khăn.
“Chúng ta đều mong muốn các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước được hưởng chính sách nhằm tăng năng lực, nhưng những xe đang phổ biến đại trà thì doanh nghiệp trong nước không có sức mạnh để cạnh tranh. Vì thế, ngành công nghiệp ô tô trong nước cần hướng vào nhóm sản phẩm mang tính đặc thù như dòng xe vận tải, bus,... ”, ông Cường nhận định.
Khi so sánh ngành công nghiệp ô tô giữa Việt Nam và Thái Lan, ông Cường chỉ rõ việc Thái Lan phát triển sớm và xác định rõ thị trường của mình cần gì và đang ở đâu. Trong khi ở Việt Nam, mặc dù cũng đã có thời gian đủ dài để trải nghiệm, nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là tự cạnh tranh lẫn nhau, không tạo ra được sự phát triển để có chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô tại Việt Nam tuy nhỏ nhưng hơn 20 năm qua vẫn có đến vài chục hãng xe được đưa vào sản xuất trong nước. Như vậy, với thị trường nhỏ bé lại bị chia nhỏ bởi quá nhiều hãng xe, nên các hãng chỉ quan tâm đến việc nhập linh kiện về lắp ráp, không tính đến việc sản xuất linh kiện riêng cho mình.
“Tôi khẳng định đây là sai lầm trầm trọng nhất trong định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, ông Cường nói.
(Theo VOV)