Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc và có xu hướng tốt lên trong ngắn hạn, trong khi đó Trung Quốc và các nước trong khu vực có xu hướng tăng chậm lại. Tuy nhiên, về trung và dài hạn Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội để tránh suy giảm.

Donald Trump tung đòn hiểm: Trung Quốc lung lay tham vọng chiếm ngôi số 1

Điểm sáng của thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2018, cao hơn so với mức 6,5% đưa ra hồi tháng 4/2018.

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3 của Việt Nam tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 6,98% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 7% cho năm 2018, cao thứ 2 châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

Theo WB, tăng trưởng 2018 của Việt Nam thậm chí có thể cao hơn mức 6,8% và cao hơn nhiều so với con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến thêm một năm tăng trưởng mạnh, vượt xa so với phần còn lại của thế giới, sau khi đã đạt được mức tăng 6,81% trong năm 2017, và sẽ là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ 2011.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vừa trải qua một quý (quý 3) tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm qua do chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tình hình càng trở nên xấu hơn bởi Mỹ tuyên bố sẽ không gia hạn thời gian “đình chiến” 3 tháng mà ông Tập Cận Bình và Donald Trump vừa đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi cuối tháng 11. Một cuộc chiến công nghệ cũng đang được nhen nhóm sau vụ Mỹ yêu cầu chính quyền Canada bắt và dẫn độ về Mỹ con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc: Huawei.

Theo SMCP, tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc chỉ đạt 6,5%. Tính chung trong 9 tháng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,7% và nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu ở mức 6,5% cho cả năm 2018. 

{keywords}
World Bank Việt Nam báo cáo Điểm lại.

Theo báo cáo đánh giá của WB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài.  Việt Nam đạt được điều này chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức.

Trước đó, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Đông Á và Thái Bình Dương Sudhir Shetty cũng khẳng định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra những cơ hội ngắn hạn cho những nước như Việt Nam.

Ông Shetty nhận định có rất nhiều cơ hội và khả năng khi nhìn vào cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, lợi ích là khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khi xuất khẩu sang Mỹ sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam chen chân vào. Cơ hội cũng có thể đến từ việc các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang những nơi khác trong đó có Việt Nam.

Cần tận dụng các cơ hội

Hồi đầu tháng 12, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 (VBF 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ước tính tăng trưởng GDP Việt Nam 2018 đạt khoảng 7%, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Thủ tướng cho biết, ngoài mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, điều ý nghĩa hơn cả là dù tăng trưởng cao nhưng Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo, WB cho rằng, lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt; tỷ giá tương đối ổn định.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia WB cho rằng, lợi thế là ngắn hạn. Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020.

Triển vọng kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. 

{keywords}
Kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động. Việt Nam cần tận dụng cơ hội để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực trong trung và dài hạn.

Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng những diễn biến có lợi cho tăng trưởng để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách khu vực DNNN và khu vực ngân hàng, song song với nâng cao hiệu suất đầu tư công, nâng cao năng suất, sản lượng tiềm năng và hỗ trợ tăng cường các dịch vụ sự nghiệp.

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.

Ông Shetty thì cho rằng, điều quan trọng là trong vài năm tới, Việt Nam cần hết sức tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng tạo sân chơi công bằng nhưng vẫn cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai và vốn. Bên cạnh đó, cần nỗ lực kết nối nhiều hơn nữa giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Trong báo cáo chuyên đề đặc biệt, WB cho rằng, Việt Nam đang làm tốt phần hội nhập, thuế đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên. Số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả, và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo WB, Việt Nam cần giảm số lượng biện pháp phi thuế quan, đồng bộ dữ liệu, giảm và đơn giản các quy trình, văn bản thủ tục, nâng cao tính minh bạch,... để tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

M. Hà

90 ngày ân hạn: Donald Trump chưa dừng bước, Trung Quốc đau đầu

90 ngày ân hạn: Donald Trump chưa dừng bước, Trung Quốc đau đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một điểm dừng đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại. Những gì Mỹ đe dọa thực sự khốc liệt. Hai bên đã xuống nước nhưng dường như chưa thực sự có tiếng nói chung.