Các chuyên gia kinh tế và luật sư cho rằng, về nguyên tắc, số tiền thu phí đường bộ dư thừa phải trả lại cho chủ phương tiện qua trạm. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra việc này, yêu cầu họ xin lỗi công khai và nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu.

Thu vượt hàng trăm tỷ đồng

Hiện nay, các báo cáo chi tiết về lượng tiền dư thừa tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang chưa được Bộ GTVT công bố chi tiết. Tuy nhiên, qua số liệu thu phí tại Trạm thu phí của Cty Tasco trên địa bàn Quảng Bình (cùng trên trục QL 1A, cách Trạm thu phí Đèo Ngang 10 km) cũng có thể ước lượng tương đối về số tiền phu phí dôi ra này.

Số liệu cập nhật liên tục từ trạm thu phí của Cty Tasco tại Quảng Bình (trạm này đang được thí điểm thu phí không dừng, có chức năng cập nhật số liệu hàng ngày lên Tổng cục Đường bộ) cho thấy, mỗi ngày doanh thu từ trạm này đạt từ 300 đến 350 triệu đồng. Lấy mức thấp nhất (300 triệu/ngày) nhân với số ngày của 2 năm vượt thời hạn thu phí ra 219 tỷ đồng. Như vậy, số tiền thu quá tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang có thể xấp xỉ số tiền trên.

{keywords}

Số tiền thu vượt của dự án Hầm Đèo Ngang được tính toán lên đến 219 tỷ đồng.

Luật sư Phạm Văn Phất (Văn phòng Luật sư An Phát Phạm, Hà Nội) cho rằng, chủ đầu tư thu phí dựa trên các quyết định do Bộ Tài chính, Bộ GTVT ban hành. Tuy nhiên, các quyết định đó gắn liền với điều kiện phải dừng thu khi đã đủ tiền hoàn vốn theo hợp đồng. “Vì vậy, việc thu tiền quá thời hạn, thu thêm tiền của người đi đường là hành vi lạm dụng quyền hạn, làm ảnh hưởng quyền lợi của người khác” - Luật sư Phất nói.

Luật sư Phất cũng cho hay, việc để trôi thời gian thu phí này cũng thể hiện sự bất bình đẳng, không sòng phẳng giữa người dân với cơ quan quản lý Nhà nước. “Nếu người dân, doanh nghiệp nợ thuế, Nhà nước sẽ có các biện pháp để xử lý. Trường hợp này, chính chủ đầu tư, dưới sự giám sát của cơ quan Nhà nước đã thu quá số tiền của người tham gia giao thông nhưng người dân không có biện pháp phòng vệ, thậm chí không được thông tin về việc thu vượt quá. Điều đó đi ngược với chủ trương vận hành một Chính phủ kiến tạo, hành động hiện nay”– ông Phất bình luận.

Cần có giải pháp khắc phục

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc các bộ, ngành có trách nhiệm cho phép chủ đầu tư thu phí trong thời gian quá dài, thậm chí một số trạm BOT thu phí vượt thời gian hợp đồng càng làm tăng thêm sự bức xúc của người dân đối với các dự án BOT gần đây. “Tất cả những điều đó xảy ra là minh chứng cho việc tắc trách của cơ quan quản lý”, ông Long nói.

Theo ông Long, việc Bộ GTVT nói để lại phần thu vượt quá quy định để làm dự án khác, hoặc cho vào phần tiền bảo trì dự án đều không thỏa đáng. “Trước tiên phải quy trách nhiệm những vấn đề trên xảy ra do đâu. Vừa qua Thủ tướng nói, xây dựng Chính phủ liêm chính, đây là trường hợp cần làm để thể hiện điều đó, phải xử lý người liên quan”, ông Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, số tiền chênh lệch từ các trạm BOT thu vượt thời gian có thể đưa vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông (không được dùng chi thường xuyên); tốt nhất là dùng tiền đó nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ để từ đó dùng vào duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ. “Xử lý được trách nhiệm những người liên quan đã làm người dân hài lòng lắm rồi, nhưng cơ quan hữu quan cũng phải có lời xin lỗi công khai người dân vì để xảy ra việc thu phí quá thời gian quy định”, ông Long nói thêm.

Luật sư Phạm Văn Phất cũng cho rằng, về nguyên tắc, khi thu tiền thừa của người dân, chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước phải trả lại. Tuy nhiên, ở đây giống như trường hợp cây xăng gian lận, không biết trả tiền cho ai nên đành phải sung vào công quỹ. “Nếu những người để xảy ra việc này có trách nhiệm, tận tụy với người dân họ nên có một lời xin lỗi” - ông Phất nói.

Luật sư Phất cũng cho rằng, với công nghệ thông tin như hiện nay, rất dễ dàng để cập nhật thông tin doanh thu từng giây. “Bộ GTVT hay Bộ Tài chính xây dựng phần mềm tính toán rồi cập nhật số liệu lên một bảng điện tử đặt tại trạm hiển thị về số xe, số thời gian cần phải thu tiếp là không có gì khó. Không hiểu vì sao họ không làm”- Luật sư Phất đặt vấn đề.

Thêm trạm thu phí vượt hạn thành khoản nợ khó đòi

Theo nguồn tin của PV, ngoài Trạm Thu phí Hầm Đèo Ngang, tại Quảng Nam cũng có trạm thu phí tương tự. Việc lấy khoản tiền thừa từ thu phí quá hạn (hơn 13,5 tỷ đồng) phải nhờ đến toà án.

Sự việc xảy ra tại Dự án BOT tuyến tránh QL 1A qua thị xã Tam Kỳ và tuyến nối QL 1A đến cảng Kỳ Hà (đường tỉnh 618). Dự án do UBND tỉnh Quảng Nam làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5, hiện đã cổ phần hoá) là chủ đầu tư. Dự án bắt đầu thu phí từ cuối năm 2011, thời gian thu 14 năm 4 tháng tại Trạm Thu phí Tam Kỳ, Quảng Nam. Theo biên bản nghiệm thu giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Cienco5 chốt đến thời hạn dừng thu phí (ngày 20/7/2015) số tiền phí thu dư thừa được xác định là hơn 13,5 tỷ đồng.

Các thông tin cho thấy, việc dừng thu phí dự án này trải qua nhiều diễn biến phức tạp và việc thu hồi số tiền thu phí dư thừa chưa có lối thoát. Cụ thể, năm 2003, Cienco 5 chuyển nhượng quyền thu phí dự án cho Cty TNHH Đầu tư thương mại và du lịch Hiệp Phúc (Cty Hiệp Phúc). Hợp đồng này được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý. Tháng 1/2015, sau khi kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước ra thông báo thực hiện các thủ tục để chấm dứt thu phí tại dự án này.

Từ đó đến tháng 6/2015, Cienco 5 với vai trò đầu mối nhiều lần ra văn bản đốc thúc, mời Cty Hiệp Phát họp để chấm dứt thu phí nhưng bất thành. Cienco 5 phải đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản, đề nghị công an tỉnh, thanh tra giao thông… vào cuộc, trạm thu phí này mới chịu dừng hoạt động từ 20/7/2015.

Hiện tại, 13,5 tỷ đồng thu phí thừa vẫn chưa được nộp về ngân sách Nhà nước. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Cienco 5 trả số tiền này.

(Theo Tiền Phong)