- Hàng loạt sự việc mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua cho thấy dù khách hàng bức xúc đỉnh điểm, treo băng rôn hay tụ tập phản ứng; chủ đầu tư im lặng né tránh, mạnh tay gạt bỏ hay chủ động giải quyết thì cách duy nhất để 'tháo ngòi nổ' vẫn là phải cùng nhau đối thoại để có được tiếng nói chung.

Bất đồng cư dân và chủ đầu tư

Các chung cơ mới, nhất là các khu nhà đi vào hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng ở Hà Nội, đang chứng kiến hàng loạt vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Mới đây, tại TNR Goldmark City, một số hộ dân đã treo băng rôn phản đối chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu cam kết bán hàng, thậm chí tụ tập phản ứng vào vào ngày 24/12/2017.

{keywords}
Người dân chung cư GoldenWest căng băng rôn phản đối chủ đầu tư Vietradico biến các ô thoáng thành căn hộ để bán. (Ảnh: Realtimes)

Một trong những vấn đề khiến cư dân bức xúc là chủ đầu tư không xây tường rào ngăn cách dự án với khu dân cư bên ngoài như cam kết lúc bán nhà cách đây vài năm. Theo phản ánh của cư dân, trong các thư phúc đáp cho cư dân trước đây đều nói sẽ xây tường rào ngăn cách với các khu bên ngoài cao 4-5m.

Theo đại diện cư dân, việc không xây hàng rào không chỉ không đảm bảo an ninh mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân, khi các tiện ích không được khép kín, người ngoài có thể vào thụ hưởng các dịch vụ mà cư dân đã phải trả phí dịch vụ để sử dụng.

Bên cạnh đó, cư  dân cũng đặt câu hỏi về chủ đầu tư quy hoạch xây dựng khu C cao 40 tầng không đúng với giới thiệu bán hàng rằng khu C chỉ có 5 tầng thương mại. Ngoài ra, chủ đầu tư và cư dân chưa thống nhất được mức phí dịch vụ nhưng ban quản lý đã áp đặt giá 9.900 đồng/m2.

Về phía chủ đầu tư TNR Goldmark City cho biết, chủ đầu tư đã nhiều lần giải thích với cư dân về vấn đề quy hoạch đường nội bộ, đường giáp ranh với khu dân cư Hoàng Công Chất là đường nội bộ của dự án. Tuy nhiên, chủ trương của thành phố là quy hoạch dự án này theo hướng mở, liên thông giao thông giữa dự án và khu vực xung quanh.

Thực tế, thời gian qua, khi triển khai xây tường rào bảo vệ ranh giới đất được giao của dự án nhằm chống lấn chiếm, trước các kiến nghị và phản ứng của các hộ dân liền kề với dự án, UBND quận Bắc Từ Liêm đã yêu cầu công ty Việt Hân tạm dừng thi công và thực hiện xin phép bổ sung phần tường rào này. Đến nay, chủ đầu tư đang báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc xây dựng tường rào trên.

Liên quan tới vấn đề trung tâm thương mại, tại văn bản trả lời cư dân về vấn đề này, chủ đầu tư cho biết, quy hoạch của khu C đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2010 bởi UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc và những văn bản điều chỉnh sau này. Trong đó ở tất cả các văn bản, chiều cao của tòa nhà được phê duyệt đều là 40 tầng, không phải 5 tầng.

Ông Trần Ngọc Duy, Trưởng Ban quản lý dự án, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn được đối thoại cùng cư dân để giải quyết những khúc mắc". 

Thông tin từ phía cư dân cho biết, sắp tới ngày 13/1, đại diện cư dân và chủ đầu tư sẽ họp để giải quyết 3 vấn đề trên (xây dựng trung tâm thương mại, xây hàng rào, đảm bảo an ninh 3 lớp) với sự tham gia của đại diện chính quyền quận Bắc Từ Liêm.

Trước đó, thông qua gặp gỡ đối thoại, những bức xúc tại dự án TNR Goldmark City đã được giải quyết khi chủ đầu tư có cuộc gặp gỡ với cư dân trong vòng hơn 4 tiếng. Theo đó, 'ngòi nổ' nóng nhất về vấn đề phí dịch vụ và phí trông xe được tháo khi toàn bộ căn hộ được tiếp tục miễn phí dịch vụ tới hết quý 4/2017; phí trông giữ xe ô tô được điều chỉnh với mức giá 1,1 triệu (cả VAT) đối với xe thứ nhất và 1,5 triệu (cả VAT) cho xe thứ 2.

Đi tìm tiếng nói chung

Thực tế, rất nhiều chủ đầu tư tại các dự án bất động sản né tránh, từ chối làm việc với cư dân khi xảy ra các bất đồng, mặc dù cư dân đã sử dụng mọi biện pháp đấu tranh, từ viết đơn khiếu nại, tố cáo, căng băng rôn, biểu tình hay thậm chí đem nhau ra tòa. Ở chiều ngược lại, cư dân không muốn tiếp xúc với chủ đầu tư cũng gây ra bế tắc.

Bất kỳ dự án BĐS nào cũng sẽ có những tranh chấp, việc xử lý dứt điểm chỉ có thể diễn ra khi chủ đầu tư và người mua nhà phải tìm được tiếng nói chung. Nếu cư dân và chủ đầu tư không đối thoại thẳng thắn sẽ khiến cho những mâu thuẫn không thể tháo gỡ.

{keywords}
Cư dân Home City xếp hàng trước cổng 177 Trung Kính phản đối chủ đầu tư. (Ảnh: Báo Đấu thầu)

Tại dự án Imperia Garden, cư dân và chủ đầu tư dự án Imperia Garden thẳng thắn đối thoại cũng đã giải quyết được những khúc mắc. Vụ tranh chấp tại dự án Tràng An Complex do GP.Invest làm chủ đầu tư khiếu nại của cư dân về việc chủ đầu tư làm sai thiết kế.

Tuy nhiên, qua đối thoại và thông tin công khai thì sự việc được giải tỏa. Hơn nữa, với hệ thống thanh tra từ bộ, thành phố đến quận, phường mọi sai phạm trong xây dựng sẽ bị kiểm tra rất nghiêm túc và xử lý triệt để.

“Kinh nghiệm xử lý ở Tràng An, TNR Goldmark City hay 1 số dự án khác thì rõ ràng không chỉ cư dân mà chính chủ đầu tư cũng muốn giải quyết khúc mắc và cách tốt nhất là cư dân nên cùng ngồi vào bàn đối thoại. Tất cả sự việc đều được xử lý dựa trên các cam kết và quy định của pháp luật nên đúng sai sẽ dễ dàng được làm sáng tỏ. Hơn nữa còn bảo vệ được hình ảnh của chủ đầu tư và mối quan hệ và môi trường sống cho cư dân”, một luật sư thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho hay.

Bên cạnh đó, còn một số vụ tranh chấp có nguyên nhân từ việc người mua nhà hiểu chưa đúng về các điều khoản, dẫn đến vụ việc đi vào bế tắc. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong nhiều trường hợp, người mua nhà còn có thể có những yêu cầu vượt quá những điều đã cam kết, đẩy cả 2 bên vào thế  khó. Và chỉ có đối thoại mới có hướng cùng nhau giải quyết.

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng: cư dân nên tỉnh táo, tránh tình trạng bức xúc gây ra lộn xộn quá mức hay những những điều không đáng có gây tổn hại chung cho cộng đồng.

Hoàng Nam