Ủy ban châu Âu (EU) ngày 23/10 đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Đáng chú ý, sau 6 tháng, nếu chúng ta không khắc phục được sẽ bị “rút thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc hải sản không còn đường vào EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là một thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Những hệ lụy có thể xảy ra là uy tín và thương hiệu của ngành hải sản bị ảnh hưởng; xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ - nước chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1/1/2018,...
Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu,...
VASEP cũng cho biết, Việt Nam có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót. Nếu không có các biện pháp nhằm cải thiện tình hình, theo đánh giá của EU, chúng ta sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.
Bị EU rút thẻ vàng sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này |
Tuy nhiên, việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận thức rất rõ sự cần thiết tuân thủ các quy định IUU của EU cũng như quyết tâm chống các hoạt động khai thác IUU, trong thời gian qua, VASEP cùng các doanh nghiệp chế biến và XK hải sản đã thống nhất và quyết tâm thực hiện chương trình hành động chống khai thác IUU với sự tham gia cam kết của 70 DN hải sản.
Hiệp hội chung tay với Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, hợp tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU.
Sau đợt đánh giá từ 15-19/5/2017 tại Việt Nam, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE) đã đưa ra 5 khuyến nghị liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) gồm: Đề nghị sửa đổi Luật Thủy sản, hướng tới xây dựng Luật Thủy sản phù hợp với các cam kết quốc tế tại các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia; Phải quản lý đội tàu và cường lực khai thác dựa trên những đánh giá đúng đắn về nguồn lợi và trữ lượng loài, để giảm thiểu tác hại của hoạt động khai thác quá mức;
Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện tốt hơn trách nhiệm của quốc gia mang cờ trong việc quản lý và thanh, kiểm tra các tàu khai thác mang cờ Việt Nam; cần sửa đổi và hoàn thiện hệ thống chứng nhận khai thác thủy sản và quy trình/cơ chế chứng nhận để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Việt Nam cũng cần thể hiện rõ hơn những nỗ lực trong việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu không được đăng ký tham gia vào hoạt động khai thác trên vùng biển quốc tế.
Trước Việt Nam, trong khu vực ASEAN, hiện Campuchia đã bị thẻ đỏ, Philippines và Thái Lan đã bị EU rút thẻ vàng.
B.H