Sau khi được tàu biển cỡ lớn chở đến Campuchia, hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp có hàm lượng thủy ngân vượt mức tiếp tục được chuyển đến một bãi rác ở ngoại ô Sihanoukville. Cách bãi rác này chỉ 1km là khu dân cư có gần 3.000 người sinh sống.

Những ngày gần đây, hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra ở các tỉnh miền Trung đang gây xôn xao dư luận. Cho đến nay nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được tìm ra, Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân là do độc chất mạnh, dù chưa xác định được nguồn chất độc này là từ đâu.

Ngày 22/4, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã xác nhận thông tin về đường ống dẫn thải khổng lồ của công ty Formosa đang xả chất thải ra biển. Trong khi đó theo thông tin đăng trên báo Tuổi Trẻ sáng nay (24/4), Formosa đã nhập hóa chất cực độc để súc xả đường ống này nhưng không thông báo cho địa phương.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Có phải ống thải của Formosa chính là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt hay không vẫn chỉ là một nghi vấn và phải chờ kết luận chính xác từ phía cơ quan điều tra. Tuy nhiên, khi lật lại lịch sử, tập đoàn đến từ Đài Loan đã từng vướng phải bê bối về môi trường ở Campuchia.

Sự việc xảy ra vào năm 1998, khi Formosa thừa nhận đã đưa một lượng lớn rác thải độc hại đến miền Tây Nam Campuchia và khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng. Rác thải công nghiệp đã được Formosa Plastics Group (FPG) - một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á - vận chuyển đến Sihanoukville, một thị trấn ven biển cách thủ đô Phnom Penh 115 dặm. Sau khi được tàu biển cỡ lớn chở đến Campuchia, hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp tiếp tục được chuyển đến một bãi rác ở ngoại ô Sihanoukville. Cách bãi rác này chỉ 1km là khu dân cư có gần 3.000 người sinh sống.

Không có ai canh gác bãi rác này cũng như không có bất cứ cảnh báo nguy hiểm nào, nhiều người dân quanh đó đã tận dụng lấy nhựa ở đây về sử dụng. Chỉ trong vài ngày sau đó, nhiều người dân có biểu hiện sốt cao và tiêu chảy. Một công nhân bốc vác có tham gia vào quá trình tháo dỡ rác phải nhập viện và sau đó đã thiệt mạng.

Nhiều cuộc kiểm tra sau đó đã đưa ra những thông số khác nhau nhưng đều đi đến kết luận hàm lượng thủy ngân gấp nhiều lần so với mức cho phép. Là một trong những nhà sản xuất nhựa PVC lớn nhất thế giới, FPG phải sử dụng thủy ngân trong quá trình sản xuất và do đó phải xử lý một lượng lớn rác thải nhiễm thủy ngân.

Sau khi sự việc được phanh phui, người dân địa phương đã rất phẫn nộ. Bãi rác này đe dọa đến nguồn đất, nguồn nước của vùng lân cận. Chính phủ Campuchia vào cuộc điều tra và tìm ra một công ty của Campuchia đã ký hợp đồng nhập khẩu số rác thải này, đồng thời buộc tội FPG đã hối lộ 3 triệu USD cho các quan chức địa phương để quá trình vận chuyển trót lọt. Cuối cùng trước sức ép từ phía người dân và Chính phủ Campuchia, FPG đã phải xin lỗi, bồi thường và vận chuyển số rác thải này trở về Đài Loan.

Vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, không chỉ gây thiệt hại về mặt sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của Sihanoukville vì đây vốn là một điểm du lịch hấp dẫn của Campuchia. Đồng thời đây cũng là lời cảnh tỉnh về tác hại của các loại rác thải công nghiệp.

Theo Infonet