Giá dầu đã rời xa “ngưỡng hủy diệt” 30 USD/thùng, điều này khiến cho sức mạnh dầu khí của Nga sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Những chuyển biến bất ngờ của nước Nga dưới bàn tay tổng thống Vladimir Putin báo hiệu vị lãnh đạo cứng rắn này đang lấy lại uy lực của mình sau những sóng gió.

Gấu Nga hồi sức

Chính phủ Nga của tổng thống Vladimir Putin vừa công bố dự thảo ngân sách 3 năm (2017-2019), với một điểm khác nổi bật: dự thảo ngân sách tính toán dựa trên giá dầu khoảng 40 USD/thùng, thấp hơn khoảng 10 USD so với giá dầu hiện tại.

Đây là lời đáp trả cho những hoài nghi về khả năng sụp đổ của nền kinh tế Nga và sự phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ của chính quyền Putin. Nó cũng là lời đáp trả cho thấy, Nga có nhiều kịch bản đối phó chứ không chỉ ra quyết định đóng băng sản lượng dầu mỏ của OPEC nhằm đẩy giá dầu mỏ.

Chuyển biến mới trong việc lập kế hoạch ngân sách của chính quyền Tổng thống Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev được xem là khá bất ngờ và xuất phát từ cú sốc giá dầu giảm mà Nga đã trải qua trong năm 2014, 2015 và đầu 2016.

{keywords}
Dầu khí vẫn là một lựa chọn trong cuộc chơi quyền lực của Putin.

Trước đó, Nga dự trù ngân sách 2015 với giá dầu là 100 USD/thùng, nhưng trong cả năm đó, giá dầu chỉ loanh quanh mức 45 USD khiến Kremlin cũng như người dân Nga chật vật thích nghi.

Cuộc chiến dầu khí giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ, giữa Mỹ và Nga đã trở thành nỗi sợ hãi không thể che giấu của Putin. Giá dầu đã tụt giảm từ gần 110 USD/thùng hồi giữa 2014 xuống còn hơn 50 USD vào cuối năm đó và chỉ còn 37 USD cuối 2015, trước khi lập đáy 26 USD vào giữa tháng 2/2016.

Cú tụt giảm không phanh của giá dầu cùng với những lệnh cấm vận của phương Tây (Mỹ, châu Âu) sau vụ sáp nhập Crimea đã khiến cho kinh tế Nga lao đao. Không ít người đã nghĩ tới một sự sụp đổ của nền kinh tế kém đa dạng với dầu mỏ đóng góp tới 50% vào ngân sách chính quyền trung ương. Không ít lần chính các quan chức của Nga cảnh báo ngân sách cạn kiệt trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, giá dầu dưới “ngưỡng hủy diệt” 30 USD/thùng đã không kéo dài lâu. OPEC khó chấp nhận điều này trong khi những đòn liên tiếp của Putin đã khiến dầu tăng nhanh trở lại.

Sự tham gia các hoạt động quân sự của Nga tại Syria đã nhiều lần thổi bùng giá dầu. Bước sâu hơn vào Trung Đông, gắn bó chặt chẽ hơn với Syria, Iran, Iraq, ông Putin phần nào đã tác động với thị trường năng lượng.

Sự ổn định của đồng rúp dưới bàn tay của nữ thống đốc Elvira Nabiullina hay gần đây là chiến dịch tăng tốc gom vàng của Putin cũng cho thấy sự dẻo dai của nền kinh tế Nga. Một mặt ngăn được nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia và giảm sức mạnh của của nước Mỹ.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo OilPrice, Nga trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu và khí. Năng lượng chiếm khoảng 37% ngân sách của chính phủ, so với 50% cách đây 2 năm. Nga cũng cho rằng, thời gian đóng băng sản lượng (dầu khí) của OPEC chỉ cần 6 tháng và như thế là hiệu quả nhất.

Gạt Mỹ khỏi nhiều cuộc chơi tầm cỡ?

Từ giữa 2015, Nga đã ký bản ghi nhớ hợp tác nhiều lĩnh vực với Saudi Arabia - nước dẫn đầu OPEC - trong đó có nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quân sự, hạt nhân. Thỏa thuận về lập Quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD cũng là nền tảng để Saudi Arabia và Nga tăng cường hợp tác, phát triển các dự án dầu lửa, khí đốt chung.

{keywords}
Lợi ích quốc gia đằng sau những quyết định của các ông lớn.

Cú bắt tay trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ của Putin đã giúp Nga xen vào được quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, NATO và EU.

Trên thực tế, có lẽ Nga chưa quên vụ chiếc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi cuối 2015, nhưng những lợi ích về kinh tế và chính trị có lẽ lớn hơn. Putin quyết tâm theo đuổi dự án “dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” nhiều tỷ USD nhằm giúp Nga hướng tới mục tiêu gia tăng ảnh hưởng về mặt năng lượng lên châu Âu.

Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ khiến châu Âu chia rẽ. Tổng thống Erdogan cần sự hỗ trợ của Putin để giữ chính quyền và tránh những thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD khi Nga cấm vận.

Còn với Trung Quốc, Putin xác nhận quan hệ giữa hai nước lên mức độ và chất lượng “chưa từng có”. Trước đó, giữa 2014, Putin và ông Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận khí đốt lịch sử 400 tỷ USD cho nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới để đảm bảo Nga giữ vững sự ổn định trong vòng 30 năm.

Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil), ông Putin khẳng định các lệnh trừng phạt Nga là phản tác dụng. Trong khoảng 2 năm qua, Nga cũng đã thúc đẩy tự do kinh doanh nhằm đối phó lại các lệnh cấm mà phương Tây đang áp dụng.

Vũ khí dầu khí của Nga trong khi đó tiếp tục phát huy tác dụng trong bối cảnh mùa đông ở châu Âu được dự báo sẽ ngày càng khắc nghiệt. Năm nay khu vực này được dự báo sẽ trải qua một mùa đông lạnh kỷ lục 100 năm qua.

Cùng lúc tung ra rất nhiều giải pháp, Putin dường như khá chủ động trong việc đối phó với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Không những thế, thông qua những sự bất ổn ở khu vực Trung Đông và sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc, Putin đang khuấy đảo châu Âu và bỏ ngỏ châu Á khiến Mỹ đau đầu. Sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc báo báo hiệu những sóng gió gay gắt hơn trên trường quốc tế, nhất là khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á. Cuộc chiến của Nga với Mỹ và các nước phương Tây có thể sẽ còn kéo dài.

V. Minh