Tuyến đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN sẽ đi qua các nước Ấn Độ, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây sẽ là dự án quan trọng nhằm phát triển hạ tầng khu vực, thúc đẩy giao thương và kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha cho biết, nhằm phát triển hạ tầng giao thông giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, việc hợp tác phát triển giao thông và logictics về đường thuỷ, đường bộ và hàng không, giữa Ấn Độ và ASEAN có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội phát triển vùng đặc biệt là khu vực phía Đông Ấn Độ và cửa ngõ ASEAN thông qua dự án đường cao tốc.
Đại diện các nước tham dự diễn đàn |
Một dự án quan trọng đang được nghiên cứu đầu tư là tuyến đường cao tốc đi qua Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan, kết nối với Campuchia, Lào và Việt Nam. Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa khu vực sông Mekong và Tây Ấn Độ, kết nối cả đường bộ và đường thuỷ. Trong đó, chính phủ Ấn Độ sẽ tham gia đầu tư từ Ấn Độ qua Myanmar và Thái Lan.
Các thành phố như TP.Hồ Chí Minh – Phnom Penh – Bangkok – Dawei – Chennai có vị trí quan trọng của ASEAN. Chính sách phát triển mở rộng trong khu vực đã được thông qua.
Năm 2017 kỷ niệm 25 năm mối quan hệ hợp tác ASEAN và Ấn Độ. Thỏa thuận Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ được thực hiện từ năm 2010 đối với các sản phẩm, dịch vụ và đầu tư của các bên.
Ấn Độ đã ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của khối ASEAN. Xuất khẩu từ Ấn Độ sang khối ASEAN đạt 25,15 tỷ USD trong giai đoạn năm 2015-2016. Kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ ASEAN giai đoạn cùng kỳ đạt mức 39,9 tỷ USD.
ASEAN và Ấn Độ cũng đang tiến lên trong việc mở rộng đối thoại với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để tiến tới thỏa thuận Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). RCEP được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thêm sự hội nhập kinh tế trong khu vực, bao gồm các thỏa thuận thương mại một phần và toàn phần.
Nam Hải