Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỉ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015, trong khi thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ.

Xuất siêu vào Mỹ 29,4 tỉ USD

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 175,9 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm trước (7,9%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 50 tỉ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỉ USD, tăng 10,2% (nếu không kể dầu thô, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 123,5 tỉ USD, tăng 11,8%).

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đạt 179,2 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm 2015.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2016, Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu với 38,1 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỉ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỉ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 14,6 tỉ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỉ USD, tăng 29%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỉ USD, giảm 4,8%.

{keywords}

Ảnh minh họa

Tính chung năm 2016, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 173,3 tỉ USD, tăng 4,6% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỉ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỉ USD, tăng 5,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2015.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 49,8 tỉ USD, tăng 0,5% so với năm 2015.

Đồng thời, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỉ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015.

Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Mỹ với 29,4 tỉ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỉ USD, tăng 12,3%.

Brexit không ảnh hưởng nhiều

Cơ quan này cũng nhận định, nhìn chung, sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện nói riêng do Samsung đã ra các dòng sản phẩm khác để bù đắp. Trong 3 tháng cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn tăng so với cùng kỳ.

Tuy sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng dự báo mức tăng trưởng của nhóm hàng này sẽ chậm dần trong các năm tới.

Về tác động của sự kiện Brexit đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: Trong khối EU, Anh là đối tác thương mại đứng thứ 3 về xuất khẩu của Việt Nam sau Đức và Hà Lan với tỷ trọng chiếm khoảng 13%-15% tổng kim ngạch xuất khẩu với EU. Về nhập khẩu, Anh đứng thứ 4 sau Đức, Pháp và Italia, chiếm khoảng 7% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU.

Thị trường Anh chỉ chiếm gần 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Anh là thị trường luôn đạt mức xuất siêu: Năm 2014 là 3 tỉ USD, năm 2015 là 3,9 tỉ USD và năm 2016 ước tính là 4,1 tỉ USD, cho thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam.

Theo Hiệp ước, nước Anh cần 2 năm để tiến hành các thủ tục chính thức cho việc rời khỏi EU. Như vậy, trong năm 2016 sự kiện Brexit hầu như không có tác động trực tiếp đến luồng hàng hóa giao dịch giữa 2 quốc gia.

Bội chi hơn 192 nghìn tỉ

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12 ước tính đạt 943,3 nghìn tỉ đồng, bằng 93% dự toán năm. Trong đó thu nội địa đạt 744,9 nghìn tỉ đồng, bằng 94,9% dự toán; thu từ dầu thô đạt 37,7 nghìn tỉ đồng, bằng 69,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỉ đồng, bằng 90,8% so với kế hoạch năm.

Nguồn thu từ khối doanh nghiệp FDI không kể dầu thô đến nay mới đạt 92,9% dự toán, được 147,7 nghìn tỉ đồng. Riêng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 193,7 nghìn tỉ đồng, chỉ bằng 75,6% dự toán năm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15.12 ước tính đạt 1.135,5 nghìn tỉ đồng, bằng 89,2% dự toán năm. Chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỉ đồng, bằng 74,7%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỉ đồng, bằng 95,4%; chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỉ đồng, bằng 96,9% so với dự toán năm.

Như vậy, bội chi ngân sách năm 2016 ước đạt 192,2 tỉ đồng, thấp hơn so với mức bội chi 256 nghìn tỉ đồng năm 2015.

Hiện Bộ Tài chính đang tích cực chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan quyết liệt thực hiện thu hồi nợ đọng thuế và các khoản phải thu qua công tác thanh tra, kiểm toán; đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách nhà nước từ bán vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tổng cục Thống kê dự báo năm 2017 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức tác động đến nền kinh tế nước ta. Do đó cần thực hiện nghiêm luật ngân sách nhà nước và kỷ luật tài khóa; nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tăng cường các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là đầu tư công.

Đặc biệt là cần triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nhất là kinh phí hội nghị, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, sử dụng xe công. Thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu thu – chi ngân sách nhà nước và nợ công, tăng cường quản lý nợ công, nhất là các khoản vay mới.

(Theo Một thế giới)