Theo Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT), đa số các HTX cung cấp các dịch vụ cung ứng “đầu vào” cho hoạt động sản xuất của nông hộ, chỉ có 12% HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản.

HTX- 'bà đỡ' sản xuất nông hộ

Ở Bắc Giang, HTX nông nghiệp Tân Dĩnh được biết đến như một trong những “đầu tàu” về mô hình hợp tác xã kiểu mới, với nguồn vốn hiện đạt 4,12 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của xã viên là 320 triệu đồng. Tân Dĩnh cung cấp 11 mô hình dịch vụ cung ứng “đầu vào” cho hoạt động sản xuất của nông hộ gồm: cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã, làm đất, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng giống, cung cấp phân bón, thu gom và xử lý rác thải, tín dụng nội bộ, quản lý thương mại chợ, mô hình trồng nấm, trồng hoa và cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng. Nhờ chú trọng mở mang ngành nghề, nâng cao trình độ cán bộ quản lý điều hành, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thường xuyên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho hộ xã viên, Tân Dĩnh đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

{keywords}
HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc giang) giúp nông dân thu hoạch lúa chiêm xuân.

Các dịch vụ "đầu vào" cho hoạt động sản xuất của nông hộ luôn là lựa chọn hàng đầu của các HTX. Như ở Vĩnh Phúc, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý là địa chỉ cung ứng giống cây trồng và làm đất được 100% nông xã Phú Xuân (huyện Bình Xuyên) lựa chọn. Với phương châm lấy lợi ích phục vụ xã viên, mỗi năm, HTX đứng ra cung ứng khoảng 20 tấn giống các loại với giá thấp hơn thị trường; đầu tư hàng trăm triệu đồng, hợp đồng với Công ty thuốc bảo vệ thực vật, phân bón uy tín sau đó giao cho từng đội sản xuất trên cơ sở nhu cầu của xã viên với giá phù hợp, giúp xã viên giải quyết một phần khó khăn khi vật tư nông nghiệp tăng cao. Dịch vụ làm đất cũng được Nhân Lý triển khai hiệu quả; mỗi sào giảm từ 30 - 50.000 đồng công cày bừa, 100% diện tích không bị tư thương ép giá...

Với cách làm mới và hiệu quả trong thực hiện các khâu dịch vụ, các HTX như Tân Dĩnh và Nhân Lý luôn kinh doanh có lãi, tăng sản lượng nông sản, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết bền chặt giữa xã viên và HTX.

Làm dịch vụ "đầu vào" tốt như vậy nhưng nhiều HTX chưa thể là “bà đỡ” cho xã viên trong khâu tiêu thụ nông sản...

Chỉ 12% HTX làm dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản

{keywords}
 Rau an toàn- sản phẩm cạnh tranh của nhiều HTX nông nghiệp ở Long An

Theo số liệu từ Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT), cả nước hiện có 21 liên hiệp và 10.726 HTX nông nghiệp với hơn 3,9 triệu thành viên HTX nông nghiệp (bình quân 376 thành viên 1 HTX). Tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp là 12.413 tỉ đồng, bình quân 1,26 tỉ đồng/HTX.

Về hiệu quả hoạt động, theo phân loại của các địa phương, cả nước có 33% HTX nông nghiệp hoạt động được phân loại khá, tốt. Đa số các HTX cung cấp các dịch vụ cung ứng “đầu vào” cho hoạt động sản xuất của nông hộ, chỉ có 12% HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản.

Giải thích tình trạng đa số HTX chỉ cung cấp được một số dịch vụ phục vụ khâu sản xuất chứ chưa làm được chức năng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng, phần lớn các HTX khó tiếp cận tín dụng, lại thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ để mở rộng, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường và tiêu thụ sản phẩm thành công.

Theo Bộ NN&PTNT, rất ít HTX nông nghiệp được vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn rất hạn hẹp. 4 năm qua, có hơn 2.300 HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với số tiền 169 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới có 40/63 tỉnh, thành đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Ngoại trừ 2 thành phố có nguồn quỹ lớn là TP Hồ Chí Minh (580 tỉ đồng), Hà Nội (130 tỉ đồng) và 4 tỉnh có thành lập quỹ nhưng chưa bố trí vốn (Sơn La, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Phước), thì bình quân vốn của mỗi tỉnh chỉ có 12,16 tỉ đồng.

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 (9/8/2017), một số ý kiến cho rằng HTX là một mô hình đặc thù cần được hưởng cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn, được Nhà nước cho phép dùng tài sản làm thế chấp có nguồn gốc hình thành từ vốn vay bằng tín chấp, vay vốn theo dự án sản xuất, kinh doanh.

Q.Hiếu - Thu Trà