Trong khi ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) vẫn trong vòng lao lý, Ngân hàng Á châu (ACB) dưới thời nhà ông Trần Mộng Hùng bứt phá mạnh, giúp túi tiền của Bầu Kiên tăng hàng trăm tỷ đồng 5 năm qua.
Cuộc khủng hoảng tại Ngân hàng ACB đã qua 5 năm. Ngân hàng từng một thời ở vị trí hàng đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần này đã đi vào ổn định với kết quả kinh doanh tăng trưởng ở hầu hết các chỉ số. Quy mô ngân hàng tăng mạnh. Giá cổ phiếu cũng hồi phục ấn tượng.
Cú sốc của thị trường tài chính sau sự kiện “Bầu Kiên” bị bắt đã chìm vào dĩ vãng. Một dàn lãnh đạo bao gồm ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang, ông Trần Xuân Giá,... đã vướng vòng lao lý hoặc bệnh tật.
Vợ chồng Bầu Kiên. |
Sau 5 năm, có người đã mãn hạn tù, một số đã trở lại kinh doanh như trường hợp ông Phạm Trung Cang. Ông Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB với án 2 năm tù và ông Trịnh Kim Quang với 4 năm tù cũng đã thụ án xong.
Bầu Kiên là người chịu án dài nhất, 30 năm và vẫn đang thụ án. Mặc dù vụ án đã qua đi, ACB đã thay dàn lãnh đạo mới nhưng gia đình Bầu Kiên vẫn nắm giữ một số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này.
Hiện Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu. Vợ bầu Kiên là bà Đặng Ngọc Lan cũng sở hữu một lượng lớn cổ phiếu, nhiều hơn số cổ phiếu của Bầu Kiên.
Tổng cộng, 2 vợ chồng Bầu Kiên nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng, tăng vài trăm tỷ đồng so với thời điểm ông trùm ngân hàng này bị bắt. Cổ phiếu ACB đã tăng khá mạnh từ mức thấp 12 ngàn đồng, lên hơn 26 ngàn đồng/cp như hiện tại.
Cổ phiếu ACB khởi sắc nhờ vào những kết quả kinh doanh khá tốt và quy mô tăng khá mạnh trở lại dưới thời nhà ông Trần Mộng Hùng. Sau sự cố, ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, trong khi đó ông Hùng và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) là thành viên HĐQT.
Cho tới thời điểm này, sau nhiều sóng gió, ACB đã ổn định trở lại, cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt. Các chỉ số an toàn đã được đáp ứng.
H. Tú