Bản Ngòi với 90 nóc nhà sàn, nằm sâu trong lòng hồ sông Đà, đang hy vọng thoát nghèo và trở thành điểm du lịch homestay hấp dẫn ở Hòa Bình.

Đánh thức bản Mường cổ bị lãng quên

Nguyễn Thị Thúy Phượng, cô gái sinh năm 1982, bén duyên với mảnh đất Hòa Bình, con người nơi đây. Cô quyết định bỏ ngang sự nghiệp khi đang là Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre, năm 2012, bắt đầu cho niềm đam mê về “Giấc mơ Hòa Bình”.

Phượng bảo, Hòa Bình là cửa ngõ của Tây Bắc, nhưng bao năm nay gần như bị quên lãng. Ngoài một vài điểm du lịch cộng đồng lâu nay như Bản Lác, bản Giang Mỗ, xóm Ải,... khai thác quá tải và bị thị trường hóa, hoặc chưa được nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và dịch vụ bài bản, thì nơi đây gần như chỉ là điểm dừng chân của du khách khi lên Tây Bắc.

{keywords}
Vịnh Ngòi Hoa nhìn từ bản Ngòi

{keywords}
Các mế người Mường - những người tiếp nối, lưu giữ bản sắc văn hóa đồng bào Mường qua hàng nghìn năm

Nhưng, có một bản Mường cổ nằm sâu trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình, được bất ngờ phát hiện vào năm 2014, đó là bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Không hề có đường bộ vào bản, chỉ độc nhất đi bằng đường thủy. Nhưng, chính cái khó ấy lại là điểm thuận lợi để người Mường ở bản Ngòi giữ nguyên bản sắc, được lưu giữ qua cả ngàn năm.

Điểm thú vị nữa, Bưa Dâm (tên cổ của bản Ngòi) còn chứa đựng trong ấy nhiều điều hấp dẫn chưa được biết đến. Hồ nước tiên tuyệt đẹp rộng 16ha, 3 mặt bao phủ bởi những dãy núi đá vôi với hệ thống hàng chục hang động Karst nguyên sơ. Đây cũng chính là hiện tượng sụt lún địa chất đã được các nhà khoa học khẳng định. Bưa Dâm còn là nơi đào được trống đồng Ngọc Lũ vào năm 1992.

Từ tiềm năng về giá trị văn hóa, giá trị đặc hữu về cảnh quan, địa chất, Phượng đã thuyết phục ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình triển khai dự án Khu Du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng Ngòi Hoa, trong đó, bản Ngòi được thực hiện trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Ngoài dự án đảo Sung với 40 căn biệt thự hiện đại (vốn khoảng 600 tỷ) thì bản Ngòi sẽ là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, với hệ thống homestay và các dịch vụ gia tăng như nhà nghỉ nổi, nhà hàng nổi, công viên nước bơm hơi,... (số vốn 400 tỷ).

{keywords}
Ngôi nhà homestay của Bùi Văn Long nằm sâu trong bản, giữa một bãi ngô rộng cả ngàn mét vuông

Tại bản Ngòi, Phượng cùng các cộng sự đã phải vất vả làm công tác “dân vận”, tức vận động bà con giữ nguyên bản sắc văn hóa, như không xây nhà bê tông,... Sau đó, cho bà con vay vốn không lấy lãi trong vòng 5 năm, trang bị công cụ, dụng cụ để hoàn chỉnh dịch vụ 7 nhà nghỉ cộng đồng. Bên cạnh đó, khôi phục lại văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật dân gian dân tộc Mường cũng như ẩm thực và sản vật xứ Mường để hấp dẫn du khách khi đến bản; tiến hành khảo sát toàn bộ hệ thống hang động,... để lên sơ đồ cho các sản phẩm lữ hành nối tuyến.

Người dân nơi đây, gần như đã quá quen thuộc với hình ảnh Phượng lăn lộn và tâm huyết từ lúc mang thai 2-3 tháng cho đến thời điểm này trong suốt 4 năm qua.

Trên con đường còn lầy bùn đất vừa kịp ráo sau trận mưa đêm trước, đi sâu vào bản, chúng tôi đến nhà anh Bùi Văn Long, một trong 7 hộ dân làm homestay. Căn nhà nằm giữa vườn ngô rộng 2.000 m2 xanh ngát, chỉ độ 1 tháng nữa là cho thu hoạch. Không gian thật sự yên bình, mát mẻ, thơm nhẹ mùi ngô giữa kỳ trổ bắp, lũ bướm bay rập rờn. Mỗi ngôi nhà như vậy có thể đủ chỗ ngủ cho 10-14 khách.

Trước khi có du lịch cộng đồng, gia đình Long hàng ngày làm nương rẫy, đánh bắt cá, nuôi gà phụ thêm, nhưng bữa đói bữa no. Rồi những khi mưa gió, muốn sang sông mua thêm ngô, thêm sắn, bắt con cá cũng khó. Long rất trông đợi khách sẽ đông dần lên, nguồn thu sẽ tốt và ổn định, chưa kể vườn ngô sắp tới sẽ được thu hẹp, nhường chỗ cho cây sả, gừng, được thu mua làm hương liệu.

{keywords}
Nguyễn Thị Thúy Phượng, cô gái 35 tuổi từ miền Tây lặn lội lên Tây Bắc làm du lịch cộng đồng (ảnh Phạm Tiệp)

Ngoài ra, hợp tác với trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, tranh thủ sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình, công ty của Phượng còn giúp đào tạo 15 thanh niên trai tráng trong bản đi học cứu hộ, 20 thanh niên và các hộ gia đình học kỹ năng nghiệp vụ đón khách du lịch cộng đồng, khóa đầu tiên đã xong và được cấp chứng chỉ. “Người dân ở đây vừa là chủ, vừa là đối tác vậy”, Nguyễn Thị Thúy Phượng nói.

Chưa muốn khách đến quá đông

Phượng cho hay, khi mới đầu tư vào đây, công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng du lịch của Hoà Bình nói chung và Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa nói riêng, còn nghèo. Ngòi Hoa lại có duy nhất một con đường vào bản. Con người, nhân lực tại chỗ chưa biết đến du lịch, phải đào tạo từ đầu. Rồi làm thế nào để vừa khai thác vừa giữ gìn bản sắc, bảo vệ môi trường, đặc biệt là an ninh nguồn nước để không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản nơi này.

Theo cô, nếu làm không đến nơi đến chốn là mang tội với người dân. Du lịch phải thực sự trở thành sinh kế của đồng bào thoát nghèo một cách đúng nghĩa.

{keywords}
Những thanh niên cứu hộ đã được cấp chứng chỉ tại bản Ngòi, tất cả đều là người dân tộc Mường (ảnh Phạm Tiệp)

Vì thế, Phượng tâm sự, thực lòng mà nói, đối với điểm du lịch văn hóa như thế này, cô chưa hy vọng khách du lịch đến quá đông.

Phượng giải thích: “Chúng tôi muốn trước hết là bà con biết gìn giữ tài sản quý báu của mình, giữ được cái hồn của người Mường, văn hóa Mường. Khi những người chủ biết giữ gìn, trân trọng và biết phát huy được thế mạnh đó, chúng tôi mới mong đón thật nhiều du khách”.

Lý giải thêm về suy nghĩ này, ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT công ty, cho hay, đúng là khi cơ sở hạ tầng du lịch chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách, tâm thế và nghiệp vụ của bà con dân bản cần được bồi dưỡng thêm, thì việc khách đến quá đông sẽ tác động tiêu cực đến việc bảo tồn bản sắc nơi đây - yếu tố then chốt của một mô hình du lịch cộng đồng, chưa kể còn khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn.

Thời gian tới, cùng với việc tỉnh đầu tư xây dựng đường bộ nối Ngòi Hoa với Ba Khan (Lai Châu), công ty sẽ quy hoạch bãi trông giữ xe, đón khách; xây trung tâm tiếp đón gồm lễ tân, nhà hàng, quầy bar, phục vụ 150-200 khách/ngày,... thì khi đó, mới có khả năng tiếp đón nhiều hơn.

Ngọc Hà