Ở lưng chừng trời Tây Bắc, trên bản Tả Chải (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), có dịch vụ tắm nước thuốc từ những "thần dược" tự nhiên của người Dao đỏ. Ngày xuân se lạnh, được ngâm mình trong những bồn gỗ pơ mu đầy ắp nước lá thuốc, nghi ngút khói hương thơm này, du khách sẽ cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn như vừa thụ hưởng một nguồn năng lượng mới. 

Từ bài thuốc tắm cổ truyền

Từ thị trấn Sa Pa xuôi về TP.Lào Cai chừng 5km rồi rẽ trái, sau đó cứ ngược dốc mà leo lên chừng 10km nữa, chúng tôi có mặt tại Tả Phìn (Sa Pa). Trời đã chạng vạng tối, đứng ở ngã 3, trung tâm xã, tôi được một bác nông dân mau mắn hỏi thăm: “Vào nhà Lở tắm lá thuốc à ? Tôi chưa kịp trả lời, bác nông dân đã nói tiếp: Các chú rẽ phải tầm 500m rồi lại rẽ phải đi qua chiếc cầu bê tông, sau đó thẳng tuột lên cuối dốc là tới”.

{keywords}
Lở có thể đọc vanh vách tên hàng chục loại thảo dược.

Bản Tả Chải, xã Tả Phìn nằm ở lưng chừng núi, tứ bề sương mù bao phủ. Mới tới đầu bản, một mùi hương nhè nhẹ, phảng phất trong gió, phả vào khứu giác của chúng tôi. Càng tới gần bản thì mùi hương càng ngọt ngào, đậm đặc giống như nhà ai đó đang nấu thuốc bắc. Trước cổng Công ty cổ phần Phát triển các sản phẩm bản địa (gọi tắt là công ty), có mấy chiếc ôtô du lịch đeo biển ngoại tỉnh đỗ. Đây chính là trung tâm dịch vụ tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ ở Sa Pa.

Khi chúng tôi đến, rất nhiều người đang ngồi chờ đến lượt để vào ngâm mình trong bồn nước thuốc. Giám đốc công ty - anh Lý Láo Lở niềm nở đón tiếp chúng tôi như những người bạn thân lâu ngày gặp lại. Anh Lở vui vẻ cho biết: "Người Dao đỏ bao đời nay đã quen với việc tắm nước thuốc từ những lá, hoa, cây, củ, quả... mọc tự nhiên trên rừng. Đây là cả một công trình nghiên cứu tích lũy hết đời này sang đời khác. Trong những thùng gỗ pơ mu kia là hàng chục vị thuốc được liên kết với nhau nhằm tạo ra những tác động tích cực tới cơ thể con người như: Hệ thần kinh, hô hấp, da thịt - cơ bắp, xương khớp... và còn làm mượt cả tóc nữa”.

Theo anh Lở, ngày xưa, chỉ có người giàu, quan lại mới có điều kiện để tắm lá thuốc thường xuyên như thế này. Còn người nghèo thì mỗi năm chỉ có điều kiện tắm vào dịp tết, vừa để "sạch người" trước phút giao thừa đón chào năm mới, vừa để tăng cường sức khỏe cho 1 năm tiếp theo...

Hơn 10 năm trước, có nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội lên thăm Tả Chải, thấy bà con người Dao đỏ nơi đây có “món” nước tắm cổ truyền mà lại độc đáo bởi được nấu từ các loại dược liệu mọc hoang hóa trong rừng già. Sau nhiều lần "tắm thử nghiệm", nhóm công tác mới này mới nảy ra ý tưởng nghiên cứu, phát triển đề tài "Tắm lá thuốc của người Dao đỏ" thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các vị thuốc trong thùng nước tắm của người Dao đỏ tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt nó có tác dụng tích cực với phụ nữ sau khi sinh con, giúp phụ nữ sau khi sinh đẻ khí huyết lưu thông, tạo thơm, tẩy uế, phục hồi sức khoẻ nhanh, phòng tránh sản hậu, sản mòn, tái tạo cơ địa tốt; giúp mau thu gọn trạng thái xồ xề, có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khỏe...

Từ khi đề tài này được công bố rộng rãi thì nhu cầu tắm nước lá thuốc bùng phát. Nhận thấy đấy là cơ hội tốt để vừa kinh doanh, vừa quảng bá văn hóa của dân tộc mình, anh Lở đã cùng một số người thân đứng ra thành lập công ty chuyên dịch vụ tắm lá thuốc. "Hơn chục năm, kể từ khi lập công ty đến nay, chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng bây giờ thì thuận lợi lắm rồi. Các anh cứ nhìn lượng khách đang đợi chờ đến lượt là biết..." - anh Lở tự hào.

Nhà nông làm cổ đông

Anh Lở cho biết thêm: Bài thuốc tắm này phải sử dụng nhiều loại thảo dược. Một thùng nước tắm ít nhất cũng phải có hơn 10 loại thân cây, lá cây. Còn có những bài thuốc tắm có tới hơn 120 loại thảo dược. Tất cả những bài thuốc này được ghi chép, hướng dẫn tỉ mỉ để phục vụ cho những nhu cầu điều trị bệnh hoặc thư giãn, làm đẹp khác nhau của người tắm. Tùy từng loại thảo dược mà cách chế biến cũng khác nhau. Có loại được phơi hoặc sao khô, có loại phải để tươi nguyên.

{keywords}
Nước thuốc chiết xuất từ thảo dược được đóng hộp bán ra thị trường, sản phẩm của công ty do anh Lý Láo Lở làm giám đốc.

Sở dĩ, công ty của Lý Láo Lở được gọi là doanh nghiệp công đồng là bởi vì trong tổng số 104 cổ đông của công ty thì có đến 99 thành viên là người dân bản địa, quanh năm “chân lấm tay bùn”. Năm 2007, công ty được thành lập và chính thức đi vào hoạt động, với số cổ đông ít ỏi là 18 người. Anh Lở gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu tiên. Vốn năng động, nhiệt tình lại có nhiều đóng góp trong công tác vận động dân bản tham gia nên anh được tín nhiệm bầu làm giám đốc.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu sản xuất của công ty, chỉ vào các loại cây dược liệu được chất từng đống, anh Lý Láo Lở tỉ mỉ giới thiệu: Đây là nguyên liệu do các hộ cổ đông lấy từ rừng về rồi nhập cho công ty. Với các cổ đông là người dân bản địa, ai cũng có diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng phòng hộ. Công ty cung cấp giống và hỗ trợ cho các hộ cổ đồng trồng và chăm sóc, diện tích khoảng 300ha.

Nguyên liệu từ các cổ đông mang về, công ty phải phân loại, cắt rửa sạch sẽ, sau đó cho vào ninh nhiều giờ làm chất thuốc từ các loại cây dược liệu tan ra, mới lấy nước thuốc đó cho khách tắm. Có rất nhiều loại cây dược liệu: Địa giàn, đĩa bay, địa vuông, trụ tạy, cành ti đẻ, tre gà siết đẹt... được pha trộn với nhau theo liều lượng nhất định, tạo thành các bài thuốc: Tắm cho mẹ sau sinh, tắm khỏe nam nữ, tắm cho trẻ em, ngâm chân.


(Theo Dân Việt)