Tổng tài sản mà 10 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt sở hữu lên tới 20.300 tỷ đồng. Trong đó năm nay xuất hiện gương mặt mới như bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ Chủ tịch Tập đoàn FLC.

10 phụ nữ giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đa số là vợ hoặc người thân của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Họ cũng giữ vai trò lãnh đạo tại doanh nghiệp.

Danh sách được lập dựa trên số liệu về sở hữu chứng khoán gần nhất được công bố trên các Sở Giao dịch Chứng khoán.

Chị em phu nhân tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Sở hữu khối tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng, giữ vị trí đầu là 2 nữ doanh nhân là người thân của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng.

Cụ thể, vị trí quán quân thuộc về bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng do nắm giữ 124,7 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup trị giá 5.465 tỷ đồng.

Em gái bà Hương là bà Phạm Thúy Hằng có 3.651 tỷ đồng khi nắm giữ 83,3 triệu cổ phiếu VIC.

Hiện hai chị em bà Hương đang cùng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch của Tập đoàn Vingroup.

Nữ hoàng thủy sản Trương Thị Lệ Khanh

Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh được ví von là “nữ hoàng cá tra” khi đang giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn, công ty chuyên về xuất khẩu cá tra.

Nữ tướng của Vĩnh Hoàn đang nắm giữ 45,5 triệu cổ phiếu VHC trị giá 2.529 tỷ đồng. Bà tăng tốc lên vị trí người phụ nữ giàu thứ 3 sàn chứng khoán chủ yếu nhờ cổ phiếu VHC đã tăng giá 90% kể từ đầu năm 2016 tới nay.

{keywords}

Vĩnh Hoàn phát triển mạnh dưới sự chèo lái của bà Trương Thị Lệ Khanh. Ảnh: Đầu tư chứng khoán.

Bà Vũ Thị Hiền - phu nhân sếp Hòa Phát

Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, hiện đang sở hữu gần 54 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng với 2.200 tỷ đồng.

Tài sản bà Hiền tăng nhanh kể từ đầu năm khi cổ phiếu HPG tăng giá mạnh nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng tại doanh nghiệp này.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - phu nhân ông chủ Masan

Bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) và là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị tại đây. Bà Yến hiện cũng đang lãnh đạo chủ chốt ở một loạt công ty con của Tập đoàn Masan như Vinacafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Masan Consumer…

Kể từ đầu năm 2016, các tin liên quan đến việc thanh tra mỏ Núi Pháo và tin đồn không tốt về nước mắm đã ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan. Vì vậy, tài sản của bà Yến, cũng giảm đáng kể. Hiện bà Yến đang nắm gần 28,3 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với hơn 1.880 tỷ đồng.

Bà Phan Thu Hương- cổ đông của Vingroup

Một phụ nữ khác sở hữu lượng lớn cổ phiếu VIC nhưng khá kín tiếng là bà Phan Thu Hương, 46 tuổi, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Việt Nam. Công ty này là cổ đông tổ chức lớn nhất của Tập đoàn Vingroup và giữ gần 13% vốn của tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Dù sở hữu khoảng 29,5 triệu cổ phiếu VIC trị giá 1.296 tỷ đồng, bà Hương chưa phải là cổ đông lớn của tập đoàn này do tỷ lệ sở hữu chỉ trên 1%.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp - cổ đông lớn của ROS

Năm nay là lần đầu tiên bà Lê Thị Ngọc Diệp gia nhập danh sách những phụ nữ có tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Bà Diệp là cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Faros (ROS) và là vợ của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Từ mức giá khởi điểm 10.500 đồng khi niêm yết, cổ phiếu ROS đã tăng gấp hơn 5 lần lên 59.300 đồng khi chốt phiên 19/10.

Hiện bà Diệp đang sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu ROS có giá trị quy đổi lên tới gần 1.200 tỷ đồng và xếp thứ 7 trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên

{keywords}

Bà Đặng Ngọc Lan có thời gian dài công tác tại ACB trước khi giữ vị trí lãnh đạo tại Vietbank. Ảnh: Vietbank.

Một phụ nữ khác có khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng là bà Đặng Ngọc Lan – Thành viên HĐQT của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Tuy nhiên, bà được biết đến nhiều hơn ở vai trò là vợ của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Bà Lan hiện sở hữu 38,5 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu trị giá 755 tỷ đồng.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - bà chủ PNJ

Cổ phiếu PNJ tăng giá tới 73% khiến khối tài sản của bà chủ thương hiệu trang sức này tăng mạnh, lên 743 tỷ đồng.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ kết quả kinh doanh tốt của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận sau khi vượt qua những khó khăn liên quan đến khoản đầu tư tại Ngân hàng Đông Á.

{keywords}

Nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung.

Nữ tướng Vinamilk Mai Kiều Liên

Nữ tướng của Vinamilk tuy chỉ nắm giữ 4 triệu cổ phiếu VNM nhưng do giá trị thị trường của cổ phiếu luôn cao chót vót nên tài sản quy đổi của bà Liên là 591 tỷ đồng, xếp thứ 10 trong danh sách những phụ nữ giàu có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

(Theo Zing)