Trong khi cậu chủ Cường đô la “mỏi tay” sắm siêu xe giá chục tỷ đồng, công ty Quốc Cường Gia Lai lại báo lỗ thảm.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la), Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vốn nổi danh trong làng siêu xe. Cường đô la là người đầu tiên “mở màn” cho trào lưu chơi siêu xe của giới nhà giàu Việt.

Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, khi công ty Quốc Cường Gia Lai do mẹ anh – bà Nguyễn Thị Như Loan sáng lập gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất, thậm chí thua lỗ thảm, Cường đô la “tạm gác” niềm đam mê siêu xe.

Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, vị thiếu gia này bất ngờ quay trở lại với siêu xe. Gần đây nhất, Cường đô la đã đưa về garage chiếc F21 nhập khẩu từ Dubai. Chiếc Ferrari về nước đầu tháng 7/2016. Trước khi về tay Cường đô la, F21 nằm chờ chủ nhân mới tại một showroom. Giá trị sau thuế của siêu xe này ước tính khoảng 1 triệu USD (22 tỷ đồng).

{keywords}

Chiếc siêu xe mới của Cường đô la

Trước đó, Ferrari 488 GTB màu trắng về tay Cường Đô La hồi cuối tháng 7 năm nay. Ferrari 488 GTB có giá khoảng 15 tỷ đồng tại Việt Nam. Cùng với nhiều mẫu “xe khủng” khác, hiện tại, Cường đô la đang sở hữu dàn siêu xe trị giá trăm tỷ đồng.

Trong khi Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường bạo tay chi hàng chục tỷ đồng sắm tiếp siêu xe, công ty Quốc Cường Gia Lai bất ngờ thua lỗ thảm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 của QCG, trong kỳ, QCG lỗ 5,2 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, QCG lãi 13,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, QCG lãi 31,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 18,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù lợi nhuận 9 tháng đầu năm của QCG vẫn tăng trưởng mạnh nhưng 31,7 tỷ đồng vẫn là con số rất khiêm tốn với vốn điều lệ 2.751 tỷ đồng.

Điều đáng nói, QCG thua lỗ sau nhiều quý có lãi dù doanh thu tăng rất mạnh. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của QCG trong quý 3/2016 đạt 586 tỷ đồng, tăng 480,4 tỷ đồng, tương ứng 455% so với quý 3/2015.

Nguyên nhân là do công ty bán hàng dưới giá vốn. Trong khi doanh thu tăng mạnh, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn. Chỉ tiêu này đạt 607,2 tỷ đồng, tăng 536,5 tỷ đồng, tương ứng 759% so với quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 851,7 tỷ đồng.

Giải thích cho việc doanh thu tăng mạnh, QCG cho biết trong kỳ công ty đẩy mạnh việc bán hàng và bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, công ty không lý giải tại sao giá vốn hàng bán lại tăng mạnh đến như vậy.

Trong khi bán hàng dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của QCG là âm 21,2 tỷ đồng thì QCG lại chịu thêm gánh nặng chi phí tăng. Tất cả đã khiến QCG thua lỗ 5,2 tỷ đồng trong quý 3. Đây là quý bết bát nhất của QCG trong thời gian gần đây.

Bên cạnh việc bất ngờ thua lỗ, QCG còn phải đối mặt với “bài toán” khó quen thuộc. Đó là gánh nặng nợ nần. Trong kỳ, QCG lại đẩy mạnh đi vay khiến vay và nợ tài chính ngắn hạn của công ty tăng từ 519,3 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015 lên 1.113,1 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 3/201, tổng nợ của QCG đạt 2.052,1 tỷ đồng.

Vì nợ vay lớn nên QCG chịu áp lực chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay quý 3 của công ty nhà Cường đô la là 17,4 tỷ đồng, tăng 13,4 tỷ đồng, tương ứng 335% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng tồn kho tiếp tục tăng tại QCG. Ở thời điểm 30/9/2016, chỉ số hàng tồn kho tại QCG là 6.206,2 tỷ đồng, tăng 884,8 tỷ đồng, tương ứng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dự án khu dân cư Phước Kiển được xem là dự án chính của công ty nhà Cường đô la khi đạt 4.128 tỷ đồng, chiếm tới 66,5% tổng hàng tồn kho.

Tuy nhiên, hiện tại, dự án Phước Kiển đã được QCG đem đi thế chấp ngân hàng để nhận khoản vay trị giá 1.319,7 tỷ đồng và khoản vay trị giá 265,1 tỷ đồng. Hai khoản vay này lần lượt có lãi suất 10,5% và 5%.

(Theo VTC News)