Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là cái tên sáng giá có thể lọt top tỷ phú USD mới của Việt Nam do Tạp chí Forbes công bố, cho dù vừa chứng kiến túi tiền bốc hơi gần 2 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó là những cái tên: Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan và Trần Bá Dương, ông chủ hãng ô tô Trường Hải.
Thêm tỷ phú Việt
Theo kế hoạch, định kỳ hàng năm, Tạp chí Forbes sẽ chính thức công bố danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới vào ngày 6/3.
Bảng xếp hạng lần này được đánh giá có nhiều thay đổi do những biến động rất nhanh và mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới trong 1 năm qua và kinh tế thế giới chứng kiến sự bứt phá nhanh chóng của các doanh nhân trẻ, với những doanh nghiệp khá mới mẻ, nhất là từ khu vực châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Tại Việt Nam, bên cạnh 2 tỷ phú USD đã được xếp hạng từ các năm trước: ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet) thì năm nay hứa hẹn có ít nhất 1 cái tên mới nữa.
Từ trái sang: ông Trần Đình Long, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương |
Những cái tên sáng giá nhất có thể xuất hiện trong bảng danh sách của Forbes gồm có: ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG); ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan và ông Trần Bá Dương, ông chủ của Hãng ô tô Trường Hải (Thaco).
Trong đó, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long là một trong vài cái tên sáng giá có thể lọt top tỷ phú USD mới của Việt Nam trong danh sách tỷ phú giàu nhất hành tinh sắp được Forbes công bố.
Hồi cuối tháng 1/2018, ông Trần Đình Long lần đầu tiên được các bảng xếp hạng trong nước xác nhận là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam sau khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục lập đỉnh cao mới, tăng giá gấp gần 2 lần so với 6 tháng trước đó lên trên 63.000 đồng/cp.
Ông Trần Đình Long sở hữu hơn 381 triệu cổ phiếu HPG, trị giá hơn 24 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD).
Sở dĩ ông Long lọt top tỷ phú USD Việt Nam là nhờ sự bứt phá vững chắc của cổ phiếu HPG trong cả chục năm qua. HPG được xem là cổ phiếu trụ cột trên TTCK Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng |
Trong năm vừa qua, HPG ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục, đạt 8 ngàn tỷ đồng, vượt 21% so với năm trước. Đây được xem là một trong những cổ phiếu “không đỉnh” đang tăng trưởng như vũ bão trên TTCK.
Một tên tuổi cũng từng được nhắc đến là ông Trịnh Văn Quyết. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2017, tính theo lượng cổ phiếu được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm 2016. Ông Quyết hiện đang sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART.
Những gương mặt sáng giá
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang cũng là một cái tên rất sáng giá. Hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Đăng Quang được Tạp chí Bloomberg xếp hạng là tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet.
Khi đó, theo Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN), tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua lên mức 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của MSN và có khối tài sản nói trên.
Masan Group hiện là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt. Vốn hóa của Masan hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông, chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo |
Người Việt thứ 3 có thể lọt danh sách tỷ phú USD giàu nhất hành tinh là ông Trần Bá Dương. Ông Trần Bá Dương được xem là một tỷ phú USD thực thụ, đang sở hữu tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng.
Cổ phiếu Thaco chưa niêm yết nhưng trên trên thị trường tự do (OTC) tiếp tục đứng ở mức cao, khoảng 150.000-180.000 đồng/cp.
Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.
Điều đó có nghĩa, vợ chồng ông Trần Bá Dương đang nắm giữ số cổ phiếu Thaco trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Con số này có thể còn tăng lên thêm nhiều nếu cổ phiếu Thaco lên sàn và tăng vọt giống như hàng loạt các cổ phiếu lớn gần đây như: Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines, Faros...
Ông Bùi Thành Nhơn (chủ tịch Novaland) cũng là một doanh nhân giàu có. Ông Nhơn cùng vợ con trực tiếp và gián tiếp giữ hơn 65% cổ phần Novaland, trị giá khoảng 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Theo bảng xếp hạng năm ngoái, Việt Nam có 2 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Theo tính toán của Forbes, tính tới hết ngày 5/3, ông Vượng có khối tài sản là 5,2 tỷ USD, xếp thứ 382 trên thế giới. Trong khi bà Thảo có 3,4 tỷ USD, xếp 682 trên thế giới.
M. Hà