Vì đam mê nông nghiệp sạch, chị Nguyễn Thị Thu Hường, ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) từng bị cả gia đình “từ mặt” khi dám bán đi căn nhà biệt thự tại trung tâm Sài Gòn, dồn tiền chỉ để về ngoại thành lọ mọ chăn dê, chăn bò, trồng nấm...như nông dân. Giấc mơ làm nông nghiệp sạch, làm giàu từ nông nghiệp sạch của chị Hường giờ đã dần trở thành hiện thực...Tới trang trại, nhiều du khách khi biết chuyện liền gọi chị là "Hoa hậu quý bà" bán nhà mặt phố về làm nông dân.

Đến nay, chị Hường-"Hoa hậu quý bà" như cái cách nhiều người gọi đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái Nông trang Xanh-Green Noen, rộng hơn 20ha với nhiều sản phẩm nông nghiệp như nấm ăn, nấm linh chi, chăn nuôi bò sữa, dê sữa, trồng lan, nuôi cá...

{keywords}

Chị Hường bên vườn nấm linh chi vừa mới nhú

Khu trang trại tổng hợp rộng mênh mông được chị Hường thiết kế thoáng mát, sạch sẽ. Tại trang trại sinh thái này, hệ thống loa tự động phát những bản nhạc du dương, nhẹ nhàng khiến du khách tưởng mình đang lạc vào khu nghỉ dưỡng nào đó...

"Hoa hậu quý bà" Nguyễn Thị Thu Hường kể, năm 2010, bỏ dở công việc đang làm tại TP.HCM, chị về huyện Củ Chi mua đất, thực hiện giấc mơ làm nông nghiệp sạch. Ban đầu, chỉ với mong muốn sản xuất, cung cấp nấm sạch cho thị trường, chị Hường thử sức với các loại nấm như nấm bào ngư, kim châm, nấm mèo, linh chi…

Thời điểm mới trồng nấm, thị trường chưa nhiều, người tiêu dùng TP.HCM cũng chưa có thói quen sử dụng nấm trong thực đơn của gia đình. “Tôi mang nấm đi tặng, có người còn hỏi, nấm này ăn có được không? Thế là vừa phải trồng nấm, vừa phải đi hướng dẫn từng người quen cách ăn nấm. Nhiều khi tôi phải vô bếp nhà người ta nấu nướng món nấm rồi mời người ta ăn thử...”, chị Hường nhớ lại.

{keywords}

Hồ bơi phục vụ khách tham quan tại Nông trang Xanh

Đến nay, chị Hường có riêng khu trồng nấm với diện tích gần 2 ha, gồm 32 nhà trồng nấm và các khu thí nhiệm nhân phôi nấm, làm meo,…để trồng nấm thương phẩm. Trung bình mỗi nhà nấm chứa 5.000 bịch phôi. Đối với nấm linh chi, 1 năm chị Hường trồng 2 vụ, trong đó, đối với mỗi nhà trồng nấm lợi nhuận trung bình khoảng 250 – 300 triệu đồng/vụ.

Sau khi đã có phần ổn định với cây nấm, do thiếu nguồn phân trùn quế, chị Hường thử đầu tư nuôi bò sữa, vừa lấy sữa, vừa lấy phân để nuôi trùn quế. Thêm nữa, từ nguồn giá thể sau khi trồng nấm, chị Hường tiếp tục trồng rau sạch, trồng dưa lưới, trồng lan và phát triển trang trại tổng hợp rộng hơn 20ha như hiện nay.

Khi trang trại được đầu tư gần như khép kín, có mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…chị Hường nghĩ tới chuyện mở cửa làm du lịch sinh thái, như một cách chia sẻ, giới thiệu và truyền đam mê với nông nghiệp cho những người xung quanh.

Du khách đến với Nông trang Xanh sẽ được trải nghiệm, giới thiệu quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi, được tự tay vắt sữa bò, hái rau, chế biến thực phẩm… Hiện mỗi ngày, trang trại đón khoảng 2 đoàn khách tham quan, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, nơi đây trở thành nơi “đổi gió” của nhiều gia đình.

{keywords}

Sản phẩm sữa dê chế biến từ sữa nguyên liệu thu mua của bà con trong vùng

Mới đây, "Hoa hậu quý bà" Nguyễn Thị Thu Hường thu mua sữa dê của một số hộ chăn nuôi trong vùng để chế biến thành sản phẩm sữa chua. Chị cũng đang xây dựng nhà máy chế biến sữa bò tươi với hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu công nghệ từ các nước tiên tiến. Chị Hường cũng tập huấn kỹ thuật trồng nấm, nuôi bò sữa cho 2 hộ dân lân cận và bao tiêu về sản phẩm cho các hộ này.

“Tôi đã từng bị gia đình càm ràm vì dám bán nhà chạy theo giấc mơ nông nghiệp sạch, nhưng nông nghiệp với tôi là tình yêu lớn lao lắm”, chị Hường chia sẻ, sau những tháng ngày gian nan xây dựng cơ ngơi từ nông nghiệp.

(Theo Dân Việt)