Cái cúi đầu xin lỗi của ông Hoàng Khải liệu có kéo lại được niềm tin của người tiêu dùng khi đã lừa gạt họ cả chục năm qua? Nếu không bị phát hiện, liệu Khaisilk có công khai việc làm ăn gian dối này hay vẫn tiếp tục lừa khách hàng?
Trước động thái của chủ tịch thương hiệu Khaisilk từ lừa dối đến thừa nhận sự thật làm ăn gian dối thì sự tin tưởng vào một thương hiệu lớn coi như đổ vỡ.
Khách tố bán khăn lụa hai “mác”
Sự việc Khaisilk bán khăn lụa “Made in China” bắt đầu từ vụ việc giám đốc một doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Thế nhưng, sau khi nhận hàng thì vị giám đốc này phát hiện trong lô hàng 60 chiếc khăn lụa có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”.
Điều đáng nói là khi kiểm tra số khăn còn lại thì đều phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.
Khăn lụa của thương hiệu bị tố có hai mác "Made in China" và "Khaisilk made in Vietnam" |
Để giải đáp thắc mắc của khách hàng là vì sao một chiếc khăn lại có hai mác, đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm và bao biện rằng, có sự nhầm lẫn của nhân viên kho nên đã lấy nhầm chiếc khăn từ một lô hàng khác, đồng thời phía cửa hàng đã gửi lời xin lỗi và hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Thế nhưng, sau sự cố trên, một khách hàng khác tên L. ở Hà Nội cũng tố việc mua lụa của Khaisilk nhưng có dấu hiệu bị cắt đi mác "made in China". Bởi, sau khi anh mua hai chiếc khăn lụa về làm quà cho mẹ thì phát hiện dấu hiệu cắt mác, thay vào đó là mác mới của Khaisilk.
Trước thông tin nhiều khách hàng tố Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc, nhiều khách hàng bày tỏ sự mất niềm tin, niềm tự hào vào một thương hiệu lụa Việt uy tín hàng chục năm qua. Bên cạnh đó, một số người vẫn hy vọng đó chỉ là sự nhầm lẫn vì họ đã tin tưởng mua hàng của thương hiệu này bao năm qua, và một thương hiệu lớn tầm quốc gia như Khaisilk thì không buôn bán theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như mấy bà buôn thúng bán mẹt ngoài chợ được.
Đáng chú ý, có thông tin cho rằng thương hiệu Khaisilk đã đóng cửa fanpage với tên gọi “Khaisilk Boutique” trên Facebook. Khi truy cập vào trang website của Tập đoàn Khaisilk, phần giới thiệu về Khaisilk Boutique cũng chỉ dẫn link đến page đã đóng cửa này trước sự việc bị khách hàng tố bán khăn lụa Trung Quốc.
Trước những lùm xùm, ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, đã lên tiếng khẳng định: không có chuyện đóng fangape Khaisilk Boutique trên facebook và cho biết fangape này vẫn hoạt động bình thường. Song, ông Hoàng Khải từ chối trả lời về bán hàng “Made in China” tại cửa hàng trong hệ thống của mình, quyết chọn sự im lặng.
Ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk từ im lặng, nói dối khách hàng đã phải thừa nhận việc cửa hàng bán khăn lụa Trung Quốc |
Từ nói dối đến thừa nhận làm ăn gian dối
Thế nhưng, mới đây nhất, ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk đã phải thừa nhận tập đoàn bán khăn “Made in China” nhưng mang thương hiệu “Khaisilk made in Vietnam”. Thậm chí, việc này đã diễn ra từ hàng chục năm nay và Khaisilk coi đó là một việc bình thường cho đến khi bị tố ầm ĩ.
Ông chủ Khaisilk đã cúi đầu xin lỗi khách, cùng lời giải thích do tập đoàn mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, trong khi mảng lụa tơ tằm chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn nên ông đã không chú tâm vào đầu tư phát triển.
Cái cúi đầu xin lỗi của ông Hoàng Khải liệu có kéo lại được niềm tin của người tiêu dùng khi đã lừa gạt khách hàng trong cả chục năm qua? Nếu không bị phát hiện, liệu Khaisilk có công khai việc làm ăn gian dối này hay vẫn tiếp tục lừa người tiêu dùng?
Điều khiến khách hàng đặt câu hỏi về uy tín của một thương hiệu lớn là ở trên, ông chủ Hoàng Khải giải thích không chú tâm vào phát triển mảng lụa tơ tằm thì ở dưới, ông lại nhấn mạnh dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.
Theo đó, chủ thương hiệu này còn cho hay, họ đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
Còn việc đáng lẽ ra khăn lụa phải có mác “Khaisilk made in China” thay cho mác “Khaisilk made in Vietnam” thì ông Khải giải thích, quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về vì khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải chia sẻ.
Niềm tin của người tiêu dùng về một thương hiệu tầm cỡ quốc gia có lẽ đã hoàn toàn đổ vỡ. Bởi, từ việc bán hàng gian dối, rồi những lời bao biện nói dối khách hàng, Khaisilk còn thừa nhận mình đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu và gián tiếp thừa nhận đã lừa rồi khách hàng từ rất nhiều năm nay.
B.P