Các dấu hiệu phạm tội của ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm bước đầu bị CQĐT Bộ Công an xác định qua 3 vấn đề: gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank; Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tài liệu, chứng cứ CQĐT thu thập, cùng lời khai của các thuộc cấp, người liên quan đến những vụ việc nêu trên, đã từng bước lộ rõ những “vết chàm” của ông Thăng và đồng phạm.

800 tỷ và...0 đồng

Cuối tháng 4-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật với Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN, giai đoạn 2009 -2015) cùng một số cá nhân liên quan.

Theo đó, cơ quan kiểm tra kết luận Ban thường vụ Đảng uỷ PVN giai đoạn nêu trên và một số cá nhân liên quan, trong đó có ông Đinh La Thăng có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

{keywords}
Những nhân vật chóp bu trong vụ án đã bị khởi tố, tạm giam để phục vụ công tác điều tra

Một trong những nội dung được Ủy ban Kiểm tra chỉ rõ, là Ban thường vụ Đảng ủy PVN đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng thành viên và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng bị cho là đã vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PVN và Chủ tịch HĐQT OceanBank.

Nội dung văn bản thể hiện Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, năm 2008, khi Oceanbank tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, PVN góp 20% tương ứng số tiền 400 tỷ đồng. Năm 2009, để giữ được 20% vốn điều lệ, PVN lần thứ 2 rót vốn vào OceanBank thêm 300 tỷ đồng. Lần thứ 3, năm 2011, PVN góp thêm 100 tỷ đồng, đảm bảo tương ứng 20% vốn điều lệ.

OceanBank tăng trưởng nóng nhưng sớm bộc lộ nhiều sai phạm, từ đó phải "gánh" khoản nợ xấu lên tới gần 15.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3-2014 (chiếm gần 50% tổng dư nợ toàn hệ thống của OceanBank).

Dù được Ngân hàng Nhà nước cho thời gian khắc phục tình trạng âm vốn cũng như tìm được đối tác mua lại, nhưng OceanBank đã không thực hiện được. Nên ngày 6-5-2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc 800 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần của PVN, mất trắng.

Góp vốn + bán thầu = lỗ hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày 15-9-2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 165 BLHS), xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC); để điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm về khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ.

CQĐT cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt tạm giam đối với ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc, và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.

Cơ quan chức năng xác định Tổng công ty PVC sử dụng nhiều trong phần vốn điều lệ để đầu tư, góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên quá trình hoạt động, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Một dẫn chứng: cuối năm 2009, Tổng Công ty PVC thành lập Công ty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (Công ty PVC-ME, là Công ty con) và “đổ” vào 102 tỷ đồng.

Tháng 7-2010, Tổng Công ty PVC tiếp tục đầu tư cho Công ty PVC-ME 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVC-ME chỉ nhận công trình rồi đi thuê nhà thầu phụ thi công, đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra nhiều bê bối. Ngày 12-9-2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án để điều tra các sai phạm tại PVC-ME. 

{keywords}
Nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của PVC-ME

Trung tuần tháng  8-2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC-ME. Tháng 2-2016, vụ án được TAND Tối cao tại TP. Hà Nội xử phúc thẩm.

Trong vụ án này, có 13 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái…, thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME. Hội đồng xét xử xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME hơn 52 tỷ đồng.

Các báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán chỉ rõ trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, Tổng công ty PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền gần 3.300 tỷ đồng. Và theo kết luận của các cơ quan chức năng, khoản thua lỗ, thất thoát tại PVC-ME đã “góp” thêm vào con số hơn 3.000 tỷ đồng tại Tổng công ty PVC.

Vừa “ra” chủ trương đã lập tức chuyển tiền

Trong quá trình mở rộng điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty PVC, cuối tháng 9-2017, CQĐT Bộ Công an đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán của PVN; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng BQL dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam.

Cả 4 bị can nêu trên có liên quan sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trước đó, CQĐT đã khởi tố bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC, và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD); công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư.

Mặc dù mới chỉ có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) của dự án, chưa ký hợp đồng, nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho BQL dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11-10-2011) là hơn 51 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.

Sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng lớn, lãnh đạo PVC thời điểm đó là Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc đã sử dụng không đúng mục đích như trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con...

Trong vụ sai phạm xảy ra tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dư luận đã và đang đặt ra trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2008 - 2011.

Bằng động thái tố tụng bắt giữ ông Đinh La Thăng, cùng các đồng phạm trước đó, chắc chắn, Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ được những “tảng băng” tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm của lực lượng Công an: thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, yêu cầu của Đảng, Chính phủ đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này.

(Theo An ninh Thủ đô)