Một người nông dân chỉ học hết lớp 8 đã sáng chế thành công nhiều loại máy nông nghiệp, nay tiếp tục một lần nữa ghi thêm vào bộ sưu tập sáng chế máy nông nghiệp của mình bằng máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng... trái cà chua.

Máy hoạt động 8 tiếng/ ngày, đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người làm, nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công. Anh là Nguyễn Hồng Chương (41 tuổi), ngụ tại thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Nhà khoa học “chân đất”

Xuất thân từ một nhà nông, chỉ mới học hết lớp 8 nhưng anh Nguyễn Hồng Chương lại đam mê làm khoa học. Năm 2007, anh tích luỹ số tiền hơn 7 triệu đồng rồi dùng chúng mua sắt, thép về nhà nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Chiếc máy này rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao, thích hợp cho rất nhiều loại hạt giống nhỏ mà khi gieo thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo kỹ thuật.

{keywords}

Anh Chương đã được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng...

Máy gieo hạt chân không của anh Chương thích hợp với các loại hạt giống có kích thước từ 0,5 đến 3mm như: cà chua, xà lách, cải, sú, bó xôi, củ dền,...

Tin lành đồn xa, nhiều người tìm đến tận mắt chứng kiến tính năng ứng dụng của máy trong thực tế sản xuất. Thấy được giá trị của chiếc máy, nhiều hộ nông dân đã đặt hàng. Năm chiếc máy gieo hạt đầu tiên được anh bán hết ra thị trường trong tỉnh Lâm Đồng trong vài ngày.

Sau khi sáng chế thành công chiếc máy gieo hạt đầu tay, để thỏa mãn đam mê làm khoa học, anh Chương tiếp tục sáng chế thành công chiếc máy đóng đất vô vỉ xốp và nhiều máy nông nghiệp khác. Những chiếc máy này cũng nhanh chóng được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Năm 2010, những sáng chế của anh Chương được doanh nhân Malaysia ưa chuộng và đặt hàng mua. Năm 2012, nhà nông sáng chế Nguyễn Hồng Chương với trình độ văn hóa mới học hết lớp 8 đã trở thành một kỹ sư chân đất làm chuyến xuất ngoại ký kết sản xuất máy nông nghiệp với những đối tác ở các nước Đông Á.

{keywords}

Anh Chương bên xưởng cơ khí được anh đầu tư vốn hàng chục tỉ đồng.

Cũng trong năm 2012, anh Chương khánh thành xưởng cơ khí rộng hơn một ngàn mét vuông, tọa lạc giữa cánh đồng rau thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ đồng. Đây là khoản tiền sau hơn 4 năm bán hàng loạt chiếc máy tự chế ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó tính riêng thị trường Malaysia, anh Chương đã xuất khẩu trực tiếp 15 chiếc máy nông nghiệp tự chế gồm máy gieo hạt, máy đóng đất vô vỉ xốp, máy đóng đất vô chậu mà anh đã tự tích lũy được.

Từ những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp, nhà khoa học “chân đất” Nguyễn Hồng Chương đã được vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng...

Sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua

Đây là chiếc máy nông nghiệp mới được anh Chương chế tạo thành công. Theo anh Chương, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) là vùng chuyên canh cà chua lớn nhất cả nước với sản lượng hàng chục nghìn tấn trên một năm.

Anh Chương cho biết: “Trong một lần ngồi nói chuyện với một ông chủ vựa thu mua cà chua lớn tại trung tâm xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, nghe ông này than vãn sắp tới tết, ông cần nhiều nhân công lao động rửa, phân loại cà chua để đóng thùng trước khi xuất đi tiêu thụ nhưng kiếm mãi không có người. Từ câu nói của ông chủ này, tôi vô tình nảy sinh ý tưởng máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trên trái cà chua”.

{keywords} 

Nghĩ là làm, anh Chương lập tức về nhà bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo máy. Vốn là nhà khoa học “chân đất” từng chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp nên đối với anh Chương, việc chế tạo máy này không còn gian nan như hồi đầu mới mày mò chế tạo. Chỉ trong vòng 3 tuần anh Chương đã cho ra đời máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua trước khi đóng thùng xuất bán.

Nhận được thông tin anh Chương sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua... nhiều chủ vườn trồng cà chua lớn nhỏ trong vùng tìm đến và chứng kiến hiệu quả mà chiếc máy này đem lại. Cũng từ đó, chiếc máy rửa, phân loại cà chua của người nông dân chỉ mới học hết lớp 8 được rất nhiều chủ vựa nông sản trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Đà Lạt tìm mua.

Theo anh Nguyễn Hồng Chương, máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua do anh sáng chế ra hoạt động rất tốt, cứ 8 tiếng/ngày là đạt năng suất 20 tấn bằng khoảng 20 người làm giúp nâng năng suất lao động lên gấp hàng chục lần với phương thức thủ công. Hiện anh Chương đã xuất bán hàng chục chiếc máy, đơn đặt hàng vẫn còn rất nhiều, máy làm ra không đủ bán.

Đến thời điểm này, anh Nguyễn Hồng Chương đã sáng chế được 14 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Gần 9 năm, anh Chương đã xuất bán khoảng 1.300 máy nông nghiệp các loại bao gồm hơn 200 máy đã được anh Chương xuất đi các nước như Đài Loan, Campuchia, Singapore, Lào,... Cách đây 3 tuần, anh Chương xuất bán sang Malaysia lô máy gieo hạt chân không trị giá 1 tỉ đồng.

(Theo Lao động)