Ở tuổi 25, Huge Grosvenor đã thừa kế tước danh cao quý của dòng họ cùng khối tài sản khổng lồ trị giá 9,3 tỉ Bảng Anh (GBP). Theo tạp chí Forbes, tân công tước xứ Westminster trở thành người giàu thứ ba ở Anh và giàu thứ 68 trên thế giới. Mặc dù việc "phút chốc trở nên giàu có và nổi tiếng" này có thể là niềm ao ước đối với nhiều người, song sự kế vị đó cũng đặt ra những thách thức hoàn toàn không nhỏ đối với vị công tước trẻ.

Cha của Huge, Gerald Grosvenor, Công tước xứ Westminster đời thứ 6, đã đột ngột qua đời ở tuổi 64 vào ngày 9/8. Lúc mới 15 tuổi, khi nhận ra mình trở thành người thừa kế tài sản khổng lồ của gia tộc, ông đã cảm thấy sợ hãi chính bởi trách nhiệm, thiếu hụt kiến thức và sự cô lập từ việc trở nên quá giàu có. Có thể, ông đã chuẩn bị cho con trai mình ít nhiều về tương lai kế vị, song hai cha con ông đều không thể ngờ điều này đến quá sớm.

Công tước xứ Westminster đời thứ 7 có thể cảm thấy tình cảnh mình vừa đáng ghen tị vừa không. Một mặt, cậu trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới. Song tiền bạc không thể khoả lấp được nỗi đau mất cha của Huge và cũng không đem lại hạnh phúc cho cha cậu vì ông cảm thấy gánh nặng từ chính tước hiệu, sự giàu có của mình. Đã có lần ông Gerald tâm sự: "Nếu được lựa chọn, tôi không muốn sinh ra đã giàu có, song tôi chưa bao giờ nghĩ từ bỏ sản nghiệp gia đình. Tôi không thể bán nó. Nó cũng không thuộc về tôi”.

{keywords}

Ở tuổi 25, Huge Grosvenor đã thừa kế tước danh cao quý của dòng họ cùng khối tài sản khổng lồ trị giá 9,3 tỉ Bảng Anh (GBP)

Tuy nhiên, rất khó để có thể cảm thông cho người giàu dù rằng sự giàu có luôn ẩn chứa vấn đề đối với nhiều người. Thayer Willis, tác giả cuốn Navigating the Dark Side of Wealth (Khám phá Mảng Tối của Sự Giàu có) - Cẩm nang Sống dành cho những người được thừa kế - nhận định: "Họ biết người khác khó có thể cảm thông đối với mình và thấu hiểu tình cảnh của họ. Họ không quen than vãn hay mong chờ sự cảm thông của mọi người".

Song theo tác giả Willis, việc thừa kế các khối tài sản lớn đặc biệt khi còn trẻ đặt ra nhiều thách thức. Bản thân bà là một trường hợp đơn cử. Bà Willis xuất thân từ một gia đình bề thế sở hữu công ty kinh doanh gỗ Georgia-Pacific Corporation trị giá tiền tỉ.

Bà chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần vấp ngã và mắc sai lầm ở độ tuổi 20. Đối với tất cả chúng ta, lứa tuổi 20 và 30 là 'những năm gây dựng cuộc đời' khi chúng ta bước vào thế giới, xác định mình là ai, thích làm gì, thích ai, thích hẹn hò với ai... Một khoản tài chính đồ sộ ập đến với mình ở thời điểm đó thực sự sẽ làm ảnh hưởng đến động cơ của mình. Bất thình lình xuất hiện câu hỏi: 'Mình cần phải làm gì để quản lý khối tài sản đó?' thay vì 'Làm thế nào để xác định và hiểu rõ mình thực sự là ai?' Động cơ của những người vây xung quanh bạn cũng bị đặt dấu hỏi. Họ thích bạn hay thích sự giàu có của bạn?".

Khi bước sang tuổi 30, bà Willis đã học để trở thành nhà tâm lý trị liệu và tư vấn về quản lý tài sản.

Thật kỳ cục nếu đặt câu hỏi sao không sử dụng số tiền đó làm từ thiện? Bà Willies lý giải: "Một số người nghĩ đến điều đó. Các thành viên gia đình lớn tuổi hơn hiểu, số tiền này có thể giúp ích trong trường hợp sa cơ, lỡ vận, hay để mở kinh doanh hay làm thiện nguyện."

Đối với những người thừa kế tài sản ở các thế hệ trước, như ông Gerald Grosvenor nói, họ có cảm giác họ chỉ đơn thuần là người cai quản và tiền đó không phải của họ để đem đi cho hay để mất.

Julian Washington, trưởng ban quản lý quan hệ trung gian thuộc Công ty Quản lý Tài sản RBC (Anh): "Tôi đã thấy một số người thừa kế dù rất trẻ song họ thực sự nhận thức được giá trị dòng tộc của mình. Họ không muốn là "mắt xích" yếu khi câu chuyện gia đình được kể ra. Theo kinh nghiệm của tôi, trong các gia đình giàu có truyền thống, họ thường làm khá tốt công việc giáo dục thế hệ kế tục mình. Và khi ai đó, một thành viên nam trong gia đình được thừa kế theo chế độ con trai trưởng được thừa kế, họ tiếp nhận chúng với toàn bộ truyền thống gia tộc và họ hiểu bản chất chiếc giày mà họ đi vào”.

Nhiều thành viên của gia đình siêu giàu đã quyết định không đặt gánh nặng cho con cái mình bằng những khối tài sản khổng lồ lên vị trí đầu tiên, mà đối với họ sẽ là đủ nếu con của mình có được hưởng các hệ giáo dục đắt và tốt nhất và có tất cả những có hội để khởi đầu cuộc sống một cách lợi thế.

Quan điểm về thừa kế của huyền thoại đầu tư Warren Buffett là để cho con cái mình "đủ tiền để chúng cảm thấy chúng có thể làm bất cứ gì song không quá nhiều đến mức chúng không cần làm gì”.

Dù chưa được xác nhận song có tin đưa rằng tỉ phú Bill Gates dự định để lại cho mỗi người con mình 10 triệu USD, một phần quá nhỏ so với khối tài sản trị giá 76 ngàn tỉ USD của ông. Ông chủ Google, Mark Zukerberg và vợ Priscilla cam kết sẽ từ thiện 99% trong 45 ngàn tỉ USD của mình và để lại cho con gái của mình chỉ 450 triệu USD.

{keywords}

Vợ chồng Mark chỉ để lại cho con gái 450 triệu USD.

Dù không giàu có như vậy, song Nigella Lawson, nhà báo, phát thanh viên người Anh và là tác giả của nhiều cuốn sách nấu ăn bán chạy nhất tại Anh, cho biết bà không có ý định để lại bất cứ tài sản nào cho con mình vì theo bà "Không phải làm việc để kiếm tiền sẽ làm hỏng con người ta”.

Sam Roddick, con gái của Anita Roddick, nhà sáng lập hãng mỹ phẩm nổi tiếng Body Shop, không biết rằng người mẹ quá cố của mình dự định từ thiện toàn bộ tài sản trị giá 51 triệu GBP. Cô cười nói: "Chúng tôi chỉ biết khi đọc một bài báo được đăng tải trên tờ Daily Mail".

Điều này cũng không hoàn toàn bất ngờ bởi bố mẹ của cô là người theo chủ nghĩa xã hội hơn là người có vai vế trong xã hội và công việc kinh doanh của họ nổi tiếng vì những nguyên tắc công bằng thương mại. Việc gạt bỏ đứa con của mình ra khỏi di chúc đối với một số người dường như giống như "một hành động bỏ rơi khó hiểu".

Song Sam cho hay: "Tôi chưa bao giờ bị bỏ rơi vì tôi có mối quan hệ tốt với mẹ của mình. Tôi biết những người khác không được thừa kế và họ đã phản ứng rất giận dữ".

Khác với con nhà giàu khác, Roddick không lớn lên trong nhung lụa. Người nuôi dạy cô chính là người bà thuộc tầng lớp lao động và các giá trị của tầng lớp lao động là làm việc chăm chỉ, kiếm tiền, giữ tiền và đóng góp cho xã hội.

Quan sát những người rất giàu có mà cô đã gặp trong nhiều năm qua, Roddick nói: "Họ bị cô lập với xã hội thông thường. Và nếu cực kỳ giàu, các mối quan hệ trở thành giao dịch và là một cái gì đó gây tổn hại khác thường về mặt tình cảm. Rất nhiều người vô cùng giàu không có trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với những người mà họ yêu, họ phô trương sức mạnh và quyền hành của mình thông qua giao dịch và họ thường không hạnh phúc. Những người mà tôi được biết rất giàu và hạnh phúc là những người có đóng góp cho xã hội".

(Theo Trí thức trẻ/The Guardian)