- Chủ tịch vừa chuyển sang ngân hàng khác, Tổng giám đốc thì về hưu từ tháng 10, hiện 2 ghế nóng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn đang để trống.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chuyển Chủ tịch VDB Phạm Quang Tùng sang nhận nhiệm vụ tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong bối cảnh BIDV đang khuyết vị trí Chủ tịch.
Ông Phạm Quang Tùng giữ chức Chủ tịch VDB từ đầu tháng 6/2016, thay cho ông Nguyễn Quang Dũng, quyền Chủ tịch, nghỉ hưu. Trước đó, ông Tùng cũng từng có nhiều năm giữ chức Phó tổng giám đốc BIDV.
Vào ngày 1/10, ông Trần Bá Huấn, Tổng giám đốc VDB cũng nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/10.
Như vậy, tính đến thời điểm này, ghế nóng Chủ tịch và Tổng giám đốc VDB vẫn đang bỏ trống.
VDB thành lập năm 2006 |
VDB được coi là ngân hàng khá đặc biệt. Thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển, hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Ngân hàng Phát triển được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khác với nhiều ngân hàng thông thường khác, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao thêm một số nhiệm vụ. Đó là bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn Ngân hàng thương mại, cho doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế vay vốn trả nợ lương và thanh toán BHXH đối với người lao động mất việc làm và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Thủ tướng chính phủ giao.
Trong số 12 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ngân hàng VDB là một trong những ngân hàng cho vay nhiều nhất.
Tổng số vốn vay của 12 dự án này tại các ngân hàng trong nước hơn 41.800 tỷ đồng, thì vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 16.800 tỷ đồng.
H.Duy